ĐT.LA xuống hạng là một cú sốc lớn, nếu nhìn vào lịch sử phát triển của V.League. Nhưng bi kịch ấy xảy ra đối với đội bóng của bầu Thắng không phải do một nguyên nhân khách quan nào mà chính họ đã tự đẩy mình xuống vực thẳm.
PHẦN NỔI…
ĐT.LA lẹt đẹt ở nhóm cuối bảng ngay từ giai đoạn đầu mùa giải, nhưng GĐĐH Phạm Phú Hoà vẫn khẳng định đội bóng này sẽ không xuống hạng. Một số người cho rằng đó là một sự lạc quan tếu. Nhưng những ai am tường ĐT.LA thì cười mỉm, vì không phải vô cớ mà ông Hoà lại dám khẳng định "chắc như đinh đóng cột" như thế. Quả thật, khi ở chặng cuối của mùa giải, giới mộ điệu đã phải "mắt tròn mắt dẹt" chứng kiến các trận thắng tưng bừng của ĐT.LA trước CS.ĐT, N.SG, HAGL và HN.ACB. Chính những kết quả ấy đã giúp cựu vương V.League vươn lên vị trí 11.
Ở cú nước rút cuối cùng, mọi thứ có vẻ như cũng thuận lợi với ĐT.LA khi họ được gặp đối thủ cạnh tranh trực tiếp HP.HN trên sân nhà và chỉ phải làm khách trước một Thanh Hoá đã hết động lực ở 2 vòng cuối. Nhưng trước con đường tưởng chừng quá bằng phẳng ấy, ĐT.LA lại rơi xuống vực thẳm. Không ai hết, chính đoàn quân của HLV Ranko đã tự đẩy mình về với hạng Nhất khi để thua HP.HN trong trận cầu quyết định số phận ngay trên sân nhà.
Long An chiều ấy mưa tầm tã. Bầu Thắng đứng bất động và như thầm trách ông trời đã “hại” ĐT.LA khi cơn mưa được lấy làm nguyên nhân lý giải cho việc ý đồ chiến thuật của đội chủ nhà bị phá sản. Nhưng ai xem trận cầu ấy thì đều hiểu cơn mưa chỉ là cái cớ để ĐT.LA bấu víu như một lời giải thích cho bi kịch của đội bóng. Bởi ĐT.LA yếu thực sự và họ đáng phải nhận vé xuống hạng cùng với HN.ACB như nhận định của giới chuyên môn hồi đầu mùa.
VÀ TẢNG BĂNG CHÌM
Trận thua HP.HN ngay trên sân nhà chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. ĐT.LA rớt hạng là một chuỗi của nguyên nhân vốn đã được dự báo từ trước. Ngoài việc một số trụ cột ra đi nhưng các bổ sung lại không tương xứng. Một nguyên nhân nữa có tính quyết định khiến ĐT.LA phải xuống hạng là cách thay HLV đến chóng mặt của BLĐ đội bóng này.
Chưa bắt đầu ra trận, ĐT.LA đã “chém tướng” khiến binh sỹ lại phải làm quen với một vị HLV mới, chiến thuật mới. Chỉ 4 vòng đấu sau, lãnh đạo ĐT.LA thêm một lần khiến cho cầu thủ rơi vào trạng thái hoảng loạn khi tiễn một người và đưa một người khác nữa về ngồi vào ghế HLV trưởng. Nhưng đó vẫn chưa là đoạn kết của cách làm mang tính nghiệp dư tại một CLB được đánh giá là xây dựng có bài bản và chuyên nghiệp bậc nhất V.League trong 10 năm qua này. Bởi sau đó, thêm 2 HLV mới nữa được đưa về Long An. HLV Ranko chính là người thứ tư ngồi vào ghế HLV trưởng của ĐT.LA trong mùa giải 2011. Bốn lần thay “tướng” trong một mùa giải là kỷ lục mà có lẽ khó ai theo kịp ĐT.LA.
Không bàn đến chuyện thiệt hại bao nhiêu tiền khi phải đền bù hợp đồng sau những vụ “ly hôn” chóng vánh ấy. Điều quan trọng là việc liên tiếp thay đổi người đứng đầu về chuyên môn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lối chơi của đội bóng. Rất khó cho các cầu thủ khi một mùa giải chỉ kéo dài 8 tháng mà họ lại phải tiếp thu và áp dụng thuần thục triết lý bóng đá của 4 ông thầy khác nhau. Thế nên, từ một đội bóng có lối chơi cá tính, ĐT.LA đã trở nên “hỗn tạp” rồi đánh mất bản sắc.
Quân của ĐT.LA yếu thật. Nhưng đội bóng này vẫn còn những ngoại binh giỏi. Mà ở V.League, chất lượng cầu thủ ngoại có tiếng nói cực lớn đến thành bại. Nhưng chính việc thay HLV như thay áo chính là sai lầm, đặt dấu chấm hết cho một đội bóng giàu thành tích nhất ở bóng đá Việt Nam 10 năm qua.
RỒI GÌ NỮA?
ĐT.LA được biết đến như là một trong hai CLB đầu tiên xây dựng mô hình bóng đá chuyên nghiệp theo cách bền vững. Nghĩa là, họ không bỏ tiền ra để chạy đua trên thị trường chuyển nhượng, mà xây dựng một cách căn cơ, bài bản bằng cách đào tạo cầu thủ trẻ để có lực lượng kế cận. Đã có thời điểm, người ta thấy ĐT.LA góp mặt ở tất cả các giải đấu trong hệ thống thi đấu của LĐBĐ Việt Nam, từ các lứa trẻ cho đến hạng Nhì, hạng Nhất. Các cầu thủ trẻ của họ có sân chơi cọ xát, tích lũy kinh nghiệm trước khi được đưa lên V.League.
Gần 10 năm là quãng thời gian đủ để ĐT.LA giới thiệu một lứa cầu thủ, hoặc chí ít là một vài cầu thủ có chuyên môn. Nhưng nhìn lại trong đội hình của cựu vương V.League vừa qua, thì hầu như không có gương mặt nào sáng giá do chính họ đào tạo. Nói một cách khác, công tác đào tạo của ĐT.LA để cung cấp cầu thủ cho môi trường bóng đá đỉnh cao gần như là không hiệu quả
Dông dài một chút để thấy, khi không bỏ tiền ra để chiêu mộ cầu thủ giỏi nhưng lại không thể tự tay đào tạo ra lực lượng kế thừa xứng đáng (như SLNA, SHB Đà Nẵng…), thì kết cục xuống hạng của ĐT.LA sau V.League 2011 là tất yếu. Thế nên, xuống hạng cũng là cách để bầu Thắng cùng những người có trách nhiệm nhìn nhận, đánh giá lại con đường gần 10 năm của ĐT.LA ở V.League.
Theo Bongdaplus.vn