Rất nhiều ý kiến đóng góp, phản biện đã được các đại biểu đưa ra với mục đích cuối cùng là vì một nền bóng đá phát triển và chuyên nghiệp.
SÒNG PHẲNG CŨNG LÀ CHUYÊN NGHIỆP
Hội nghị lần thứ 5 là dịp để BCH VFF nhiệm kỳ 6 nhìn lại công tác 6 tháng đầu năm và định hướng nhiệm vụ trong thời gian còn lại. Với bóng đá Việt Nam, quãng thời gian vừa qua thật nhiều sự kiện. Có những điều mà VFF đã hoàn thành tốt, đặc biệt là về công tác tài chính, vận động tài trợ. Hầu hết các giải đấu đều có nhà tài trợ chính. VFF tiếp tục nhận được hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế. Chính vì thế mà trong 6 tháng đầu năm, VFF bội thu 37 tỷ đồng.
Liên quan đến công tác tổ chức giải, lĩnh vực vốn thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận sau sai lầm của một số trọng tài và cả việc đại diện cho CLB HN.ACB, ông Nguyễn Đức Kiên đăng đàn chỉ ra những hạn chế tại V.League. Một số đại biểu, đặc biệt là các ông Nguyễn Hồng Thanh (SLNA), Phạm Thế Triều (An Giang) đã yêu cầu cần phải có đánh giá công bằng, sòng phẳng về bức tranh của nền bóng đá nước nhà. Những mặt làm được thì cần phải trân trọng, phát huy, bởi đó là công sức của bóng đá Việt Nam. Và nếu có những sai lầm, thiếu sót thì cần phải thắng thẳn chỉ ra để khắc phục, sửa chữa. Sự trung thực, công bằng trong đánh giá ưu nhược điểm của nền bóng đá sẽ mang đến động lực cho sự phát triển trong tương lai.

THAY ĐỔI ĐỂ HOÀN THIỆN
Như đã thông tin, hai nội dung quan trọng sẽ được trình bày tại Hội nghị lần thứ 5, BCH VFF nhiệm kỳ 6 là sửa đổi điều lệ (VFF) theo yêu cầu của FIFA và Quy chế hoạt động của Trọng tài bóng đá Việt Nam. Xét cho cùng, đó đều là những thay đổi nhằm đưa VFF tiến gần hơn đến những quy chuẩn chung, đồng thời, tạo ra động lực và những cơ sở pháp lý để VFF nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung phát triển một cách bền vững.
Hướng trọng tâm vào vấn đề mang tầm vĩ mô, nhưng các đại biểu cũng như Thường trực VFF cũng yêu cầu phải thay đổi ngay từ cung cách điều hành công việc hàng ngày. Bộ phận điều hành ở VFF và đặc biệt là BTC giải phải chủ động và tích cực hơn trong giải quyết những công việc mang tính thời sự. Chỉ có giải quyết những sự cố một cách rốt ráo, thẳng thắn và công khai thì BTC mới tránh được áp lực từ dư luận và tạo ra cái nhìn thiện cảm, đúng bản chất về VFF cũng như bóng đá Việt Nam.
Theo đề nghị của Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng, kể từ mùa giải tới, vào ngày thứ Hai hàng tuần, Thường trực VFF sẽ cùng với BTC giải, Ban Kỷ luật họp để xử lý ngay tức thì các sự cố của vòng đấu.
Liên quan đến công tác trọng tài, ngoài sự thay đổi về mô hình tổ chức, Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng và một số đại biểu đã yêu cầu ngoài việc xử lý kiên quyết, không bao che những trọng tài sai sót, BTC giải cần đưa ra chế độ đãi ngộ xứng đáng. Chi phí cho trọng tài phải là “thực chi” để những người cầm còi có thể sống tốt bằng nghề.
TẦM NHÌN VIỆT NAM
10 năm đi lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam đã đủ tự tin để bước sang một chặng đường mới từ năm 2011. Chúng ta chính thức tổ chức giải đấu chuyên nghiệp. 10 năm, bóng đá Việt Nam đã có những thay đổi căn bản và tích cực. Từ một nền bóng đá Nhà nước nặng tính bao cấp, các CLB (V.League) giờ đã vận hành theo mô hình doanh nghiệp.
Chấp nhận thay đổi và đạt được những thành tích khả quan, nhưng tất cả những gì đang có chưa tương xứng với tiềm lực và khát vọng của chúng ta. Đó là thực tế! Nâng cao vị thế và hình ảnh của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế là nhiệm vụ của những người làm bóng đá nước nhà. Trong đó, đưa ra một chiến lược phát triển chung, dài hơi là điều kiện để chúng ta tập trung trí tuệ, nguồn lực của toàn xã hội phục vụ cho sự nghiệp chung.
Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa nền bóng đá ổn định ở Top 12 châu Á, tiếp tục duy trì vị trí là một trong ba quốc gia hàng đầu ĐNÁ; xây dựng nền bóng đá theo hướng chuyên nghiệp, các CLB vững mạnh về tổ chức, tự chủ về tài chính; xây dựng VFF và các tổ chức thành viên trở thành tổ chức xã hội nghề nghiệp mạnh…
Để hoàn thành được mục tiêu trong bản chiến lược bóng đá thì cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ và cố gắng không chỉ của VFF mà là toàn xã hội. Từ việc tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, thi đấu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, y học thể thao đến khơi nguồn tài chính để phục vụ những chiến lược mang tính dài hơi. Vậy nên, theo ý kiến của một số đại biểu, để chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đi vào thực tiễn, mang đến những lợi ích to lớn thì cần có sự ủng hộ từ Chính phủ, các CLB, các tổ chức để có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sự đầu tư tương xứng.
CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN TRONG GIAI ĐOẠN 2012-2020
- Thành tích của ĐTQG nam, nữ và U23 QG: đoạt chức vô địch AFF Cup hoặc SEA Games từ 2-3 lần, vượt qua vòng loại thứ 3 vòng loại World Cup khu vực châu Á-Thái Bình Dương ít nhất 1 lần; xếp thứ 10-12 châu Á (nam) và xếp thứ 6-7 châu Á (nữ).
- Bóng đá phong trào tại các trường học: Năm 2015 có 4.500 CLB (18% số trường); năm 2020 có 7.500 CLB (30% số trường). Mỗi CLB có từ 2-4 đội bóng.
- Về đào tạo VĐV trẻ: Số lượng VĐV trẻ U11-U18 được đào tạo tập trung hàng năm. Từ năm 2011-2015 có 4.000 VĐV; từ năm 2016-2020 có 4.500 VĐV.
- Về tài chính: Doanh thu của VFF trong giai đoạn 2012-2015 đạt 120 tỷ đồng/năm; từ năm 2016-2020 đạt 150 tỷ đồng/năm. Doanh thu các CLB đến năm 2015 đạt 40-50 tỷ đồng/năm; từ năm 2016-2020 đạt 50-70 tỷ đồng/năm.
TIẾNG NÓI NGƯỜI TRONG CUỘC
Ông Nguyễn Văn Mùi (Chủ tịch Hội đồng Trọng tài QG)

“Sau khi có kết quả bầu chọn danh hiệu Còi vàng, người ta bảo tôi có một con trai, một con rể giành giải nhưng việc bầu chọn là do trọng tài, báo chí, chuyên môn, các nhà làm giải V.League, tôi chỉ có một phiếu thôi. Khi tôi nhận chức Chủ tịch Hội đồng trọng tài, các con tôi đã làm trọng tài rồi mà việc bầu chọn này được thực hiện hằng năm. Tôi rất bức xúc khi người ta nói rằng trọng tài mafia, có người đứng ra thao túng trọng tài, đó là ai?
Tôi đề nghị BCH VFF làm rõ phát biểu của anh Kiên rằng trọng tài nào đến gặp anh Long (Chủ tịch HP.HN Trần Đình Long) nói đưa 500 triệu hoặc người môi giới nào làm việc đó. Thế là có chứng cứ rồi đó. Mà nói trọng tài tiêu cực nhiều hơn năm 2006, không có một cơ sở nào cả”.
Ông Phạm Thành Long (Trưởng ban Kiểm tra VFF)

“Về cuộc họp hôm trước, anh Kiên (Chủ tịch HN.ACB Nguyễn Đức Kiên) có nhiều phát biểu chưa được chuẩn. Anh em tôi nói với nhau rằng đây chẳng qua là sự nguỵ biện cho thất bại của HN.ACB ở mùa giải vừa qua thôi. Ví dụ như, anh ấy nói 10 năm nay, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp không thay đổi, điều ấy có khi anh ấy không đọc.
Cái thứ 2 là anh ấy quy chụp như chuyện HN.ACB không chi một đồng nào cho trọng tài cho nên thi đấu bị thiệt thòi. Vậy xuống hạng của đội anh ấy hoàn toàn là không chi tiền cho trọng tài. Tôi đề nghị là thống kê xem những trận nào HN.ACB thi đấu mà trọng tài bắt o ép hay là cái sự yếu kém của HN.ACB, nói cách khác là sự đầu tư về con người ảnh hưởng đến chất lượng của HN.ACB”.
Ông Nguyễn Hồng Thanh (Tổng GĐ Công ty CP bóng đá SLNA)

“Tôi nghĩ, bóng đá phát triển không phải là một trọng tài, một ông bầu, một đội bóng mà là cả nước. Ở khu vực và châu lục và FIFA trong những năm gần đây, BĐVN đã nâng cao vị thế, cải thiện hình ảnh cả về tổ chức, điều hành và thi đấu. Khi họp, BCH đều khẳng định là giải thành công, tất nhiên có một vài trận đấu có vấn đề. Phát biểu của một cá nhân, bài viết của một người phóng viên chỉ là quan điểm của một người thôi mà tất cả phải thấy nhiều cái hay, cái đẹp của bóng đá chứ.
Trận chung kết giữa SLNA và HN.T&T, cả mấy triệu người trên toàn quốc xem trận đấu ấy và NHM đều thấy hay, cuồng nhiệt thế. Ông TGĐ của Eximbank còn nói với tôi là với không khí thế này, tôi sẽ tài trợ thêm từ 3 đến 5 năm nữa. Anh Kiên có nỗi bức xúc của mình, nhận định đó là quyền của anh ấy, phản ánh một góc độ nào đó thôi. Một mình ai không thể đánh giá hết được và không thể vì một vài vết xước mà lại coi bức tranh toàn màu xám”.
Nguồn Bongdaplus.vn