Chán nản, tuyệt vọng và không thể chịu đựng hơn nữa, HLV Ricardo đề nghị được “trảm” bởi ông không muốn lòng tự trọng của mình bị tổn thương hơn nữa.
Cuối cùng, mong muốn của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha cũng được lãnh đạo đội bóng đồng ý. Họ cũng muốn tự cứu lấy mình. Họ hiểu Ricardo không hoàn toàn có lỗi trong thất bại của đội bóng. Nhưng họ không thể làm khác, bởi ở B.BD, trong nhiều thời gian, thành tích đội bóng chẳng phụ thuộc vào ông thầy mà do đám “kiêu binh” quyết định. Mà lãnh đạo thì rất cần thành tích.
Nhắc đến câu chuyện cũ của Ricardo để khẳng định một sự thật, đó là các nhà cầm quân người nước ngoài đôi khi chỉ là nạn nhân của những toan tính nơi hậu trường. Họ “chết” vì thiếu hiểu biết, hoặc nhận ra bản chất vấn đề quá muộn. Đơn cử như cựu trợ lý của “Người đặc biệt” Mourinho, trước những lời khuyên phải “nhổ” những cái gai trong đội bóng thì nhà cầm quân này vẫn tin vào sự chuyên nghiệp của các ngôi sao. Cuối cùng, khi đã nhận ra chân tướng của sự việc thì ông thất vọng và không còn muốn tiếp tục đối diện với những người đã “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”.
Sự thoái trào của xu hướng dùng HLV ngoại ở bóng đá Việt Nam làm người ta nhớ đến một trường hợp đặc biệt, đó là ông Calisto. Gắn bó với bóng đá Việt Nam gần trọn một thập kỷ, HLV Calisto đã thể hiện được dấu ấn đậm nét ở cả ĐT.LA lẫn ĐTQG.
Người ta ví Calisto là “phù thủy”. Với khả năng đặc biệt, ông thiết lập được đế chế của mình ở mọi nơi và sau đó thâu tóm danh hiệu. Nhưng tôi tin rằng, ngoài những phẩm chất về chuyên môn, một trong những yếu tố giúp thương hiệu Calisto ngày một lan tỏa chính là “chất quái” trong con người ông. Ưu thế về thời gian, kinh nghiệm và độ sâu sắc giúp Calisto hiểu mình đang dối diện với ai, làm thế nào để thu phục nhân tâm, buộc các cầu thủ phải chiến đấu vì mình, điển hình là AFF Suzuki Cup 2008.
Thế mạnh và sở trường của Calisto là điều mà các nhà cầm quân ngoại quốc khác không có được. Đơn giản bởi, họ không có được sự trải nghiệm như Calisto. Họ buộc phải giải bài toán thành tích từ lãnh đạo CLB trong khi vẫn bị cầu thủ coi là… “gà Tây”. Không hiểu, không biết và thất bại. Đó là kết cục tất yếu của các HLV tại một nền bóng đá vẫn tồn tại rất nhiều yếu tố nghiệp dư, đặc biệt là trong lối ứng xử của những người đang hưởng lương chuyên nghiệp.
Có những cuộc chia tay được coi là sự giải thoát. Nhưng đằng sau đó là một núi những công việc mà người ở lại phải làm. Người làm bóng đá hiểu sự nghiệp dư vẫn đang tồn tại, thậm chí tác động đến thành tích của một CLB bất kỳ. Hiểu và loại trừ được nó đôi khi là khoảng cách không dễ xóa nhòa. Thậm chí, để có được thành tích, người ta chấp nhận “đi đường vòng”, chấp nhận thỏa hiệp, dồn hết tội lỗi lên đầu “chỉ một người không hiểu” để được lòng “những người rất hiểu”.
Bây giờ, khi các HLV ngoại khuất nẻo, chỉ còn lại các HLV nội với những cầu thủ nội. Điều cần thiết nhất lúc này là tạo dựng được một môi trường làm việc chuyên nghiệp để tất cả mọi người đều được ứng xử công bằng. Nhưng với riêng các nhà cầm quân, khi chấp nhận cưỡi lên mình hổ thì cũng cần học một chữ “Biết”. Bởi nếu không, đến một ngày, họ lại phải nói với lãnh đạo đội bóng, “Hãy trảm tôi đi”!
Nguồn Bongdaplus.vn