
KÝ ỨC TRONG TÔI
SEA Games 25 trên đất Lào là một trong những kỷ niệm khó quên của tôi, bởi đó là lần đầu tôi được xuất ngoại để viết bài, đưa tin một Đại hội thể thao lớn nhất khu vực. Và tôi được phụ trách viết về môn bóng đá nữ, diễn ra tại SVĐ Đại học Quốc gia Lào. Cũng chính nơi đây, tôi thay đổi cách nhìn về “bóng đá nữ”. Nó thay đổi từ một pha bóng ở phút thứ 39 trong trận đấu giữa Việt Nam và Myanmar ở lượt đấu thứ 2 bảng A môn bóng đá nữ.
Từ cánh trái, Văn Thị Thanh thực hiện cú phất bóng dài. Ở phía trên, Kim Chi gần như mở “hết ga” để theo đường chuyền. Tuy nhiên, sự cố gắng ấy đã bất thành, sau cú băng ra cản phá rất quyết liệt của hậu vệ đối phương, Kim Chi mất thăng bằng, ngã văng ra và đập đầu xuống rìa sân (nền xi măng). Máu tuôn ra ướt đẫm đầu và gối, rồi chị nằm bất động.
Bác sĩ của ĐT nữ Việt Nam nhanh chóng thực hiện công tác cứu thương. Từ cabin huấn luyện, thấy học trò mình bị chấn thương nặng, HLV Trần Vân Phát cũng không cầm lòng và lao về phía Chi để đỡ lấy học trò. Xe cứu thương đã sẵn sàng để đưa Chi đi cấp cứu, hàng ngàn con mắt hướng về chị, tất cả khán giả đã bật cả dậy cầu cho Kim Chi tai qua nạn khỏi. Cũng thật bất ngờ, vừa quấn xong chiếc băng trắng kín đầu, Kim Chi đã ra hiệu xin trọng tài vào sân thi đấu tiếp.
Cũng không lâu sau đó, Kim Chi đã có bàn thắng ngoạn mục, giải tỏa thế bế tắc cho đội nhà. Đó là cú đá phạt, bóng bay cong liệng qua hàng rào, liếm cột dọc rồi chui vào lưới. ngưỡng mộ thay đó là sản phẩm của một người khi đó đã ở tuổi 30 và vừa mới choáng váng ở đầu. Ký ức ấy càng sâu nặng bởi đó là giải đấu mà những bóng hồng Việt Nam đã giành chiếc HCV quý giá. Và đó cũng là giải đấu mà Kim Chi, người từng giành 3 QBV Việt Nam chính thức nói lời chia tay sân cỏ.
“THẦN TƯỢNG” ĐI… GÕ ĐẦU TRẺ
Kim Chi bảo, chị đến với bóng đá là cơ duyên, là “nghề chọn người”. Năm 1997, Đoàn Thị Kim Chi đang là sinh viên bộ môn điền kinh ở Trường đại học TDTT T.Ư 2 (nay là Đại học TDTT TP.HCM) thì được mời tham gia vai quần chúng trong cảnh quay một trận đấu bóng đá của phim “Bình minh châu thổ”. Nhờ vậy, HLV Trần Anh Tuấn mời luôn Kim Chi thử sức ở đội tuyển bóng đá nữ TP.HCM. Chính vì vậy mãi tới năm 2003, Chi mới tốt nghiệp đại học, chậm 2 năm so với bạn học cùng khóa.

Tốt nghiệp đại học, chị vừa đi đá bóng, vừa làm nhân viên cho Trung tâm TDTT Q.1. Trở về sau SEA Games 25, chị quyết định treo giày và chính thức tham gia công tác huấn luyện bóng đá trẻ. Đến năm 2012, Kim Chi chính thức trở thành HLV trưởng U19 nữ TP.HCM. Hôm gặp lại Kim Chi trên sân Tao Đàn (Q.1), chị không giấu được niềm tự hào là người đi ươm tài năng tương lai cho bóng đá nữ TP.HCM và đất nước.
Đối với những học trò của Kim Chi, chị luôn là một thần tượng, về tấm gương phấn đấu và sự cống hiến không biết mệt mỏi. Chính vì thế, người ta tin rằng, mai này các “sản phẩm” của Kim Chi đào tạo sẽ trở thành những nhân tài. Mà nói vui như chị, rằng mai này, đã huấn luyện các em chỉ “mong rằng phải hơn thế hệ chúng tôi, nó không chỉ giúp cho các em thỏa mãn sự đam mê, và còn giúp cho cuộc sống, hay nói đúng hơn cái nghiệp mà các em theo đuổi sẽ thành công và thay đổi cuộc đời”.
Xin chúc cho Kim Chi mãi là thần tượng, một hình mẫu cho các thế hệ cầu thủ nữ noi theo với chữ tâm, cũng như với tài năng của mình!
“Cho đến bây giờ, Kim Chi vẫn là “lính phòng không”. Tôi hỏi chị ngày 8/3 này chị có đi đâu không? Kim Chi chỉ cười rồi nói vui: “Ế rồi, chẳng có ai quan tâm cả. 8/3 cũng như ngày thường thôi, tập xong rồi quanh quanh trung tâm, chẳng có gì đặc biệt. Cứ vậy đi, biết đâu một ngày…”.
Tên đầy đủ: Đoàn Thị Kim Chi
Năm sinh: 1979
Vị trí thi đấu: Tiền vệ, tiền đạo
Quê quán: Bến Tre
CLB: TP.HCM
Thành tích: VĐQG 2002, 2004, 2005; HCĐ SEA Games 19; HCV SEA Games 21, 22, 23, 25; HCB SEA Games 24; QBV nữ năm 2004, 2005, 2007; Nữ hoàng phá lưới 2006.
Bongdaplus.vn