
Ngày ấy, chẳng ai nghĩ đến chuyện xây dựng một biểu tượng hay hình mẫu của đội bóng. Nhưng cái tên của cầu thủ và đội bóng mà họ gắn bó luôn song hành đến độ nhiều năm sau người ta vẫn không thể quên.
Sau vòng đấu thứ tư, trên taxi trở về từ sân Thống Nhất, bác tài xế khi biết tôi là phóng viên thể thao đã mừng như gặp được bạn tâm giao. Suốt chuyến đi, ông luôn miệng kể về những trận cầu ngày xưa, những danh thủ một thời từ ngày đất nước mới thống nhất, như Đặng Trần Chỉnh (Cảng Sài Gòn) có cú sút phạt đẹp ra sao, Cao Cường (Thể Công) chơi bóng hào hoa thế nào, hoặc “bộ tam huyền ảo” của Hải Quan một thời với Lưu Tấn Liêm - Nguyễn Văn Thành - Nguyễn Hoàng Minh (nhí)… Những câu chuyện của bác tài xế khiến những ký ức về bóng đá của một chú nhóc ngày nào trong tôi như sống lại từ một thời đã rất xa. Dù có thể chẳng nhớ hết, nhưng những cái tên cầu thủ cùng đội bóng trong câu chuyện của bác tài xế thì tôi không quên, bởi tất cả đã đi cùng năm tháng của bóng đá nước nhà.
Bất chợt tôi hỏi: “Bác có thường đến sân xem các trận đấu ngày nay?”, người đàn ông trung niên ấy cười gượng gạo: “Không cháu ạ. Bác chỉ xem qua truyền hình hay đọc báo thôi. Giờ đây, hình như người ta chẳng còn coi trọng những cái tên, những biểu tượng như ngày trước. Đến ngay một Thể Công lẫy lừng trên 50 tuổi còn được bán thẳng tay, hoặc những cái tên Cảng Sài Gòn, Công An TP.HCM, Hải Quan… biến mất. Đôi lúc bác tự hỏi, chẳng biết sau này bóng đá Việt Nam còn gì để kể cho con cháu?”.
Câu nói của bác tài xế mê bóng đá ấy khiến tôi suy nghĩ nhiều lắm. Mà đúng thật, ngày nay, còn mấy đội bóng chuyên nghiệp nghĩ đến việc chăm chút cho cái tên hoặc xây dựng biểu tượng của chính mình.
Thời gian qua, mỗi khi bước vào mùa giải mới là người ta lại thấy xuất hiện một đội bóng với cái tên mới toanh, dẫu cho HLV và cầu thủ đều cũ. Tên đội bóng đã thế, nên đừng mong sẽ có những cầu thủ gắn bó với đội bóng của mình để trở thành một biểu tượng. Cứ nhìn vào 28 đội bóng, cả V-League lẫn hạng Nhất, đang thi đấu ở mùa giải 2012, sẽ thấy. Có lúc người ta ngỡ Tài Em và Minh Phương là những tượng đài chẳng thể thiếu ở Đồng Tâm Long An, nhưng giờ Tài Em đã về đá cho Navibank SG, trong lúc Minh Phương đã ở SHB Đà Nẵng. Công Vinh từng được Hà Nội T&T đưa về từ xứ Nghệ với niềm hy vọng sẽ trở thành biểu tượng của họ. Vậy mà sau 3 năm, Vinh giờ vẫn là cầu thủ của bóng đá Hà thành, nhưng trong màu áo… CLB Hà Nội.
Thế nên, nếu hỏi các đội bóng ở ta, đâu là những cái tên biểu tượng cho thương hiệu của CLB? Xem ra, tìm thấy câu trả lời chẳng dễ. Khi ấy, một số người có thể sẽ bảo, có chăng ở SLNA, sau lứa Hữu Thắng và Văn Sỹ Hùng, hiện chỉ Huy Hoàng, Trọng Hoàng là biểu tượng. Nhưng nếu so với 2 đàn anh kể trên, xem ra “song Hoàng” vẫn còn lép vế lắm. SLNA là đội bóng có bề dày truyền thống như thế mà vẫn khó tìm được biểu tượng xứng đáng thì tình cảnh ở những CLB khác có lẽ cũng không quá khó hiểu.
Sau lứa Hồng Sơn, Đức Thắng, Quang Hà (Thể Công), Lê Huỳnh Đức (Công An TP.HCM), Lư Đình Tuấn, Võ Hoàng Bửu (C.SG)... của những ngày bóng đá Việt Nam chập chững bước vào chuyên nghiệp, nay những biểu tượng của bóng đá Việt Nam đang trôi về đâu?
Bongdaplus.vn