
Khi V-League mới lên chuyên nghiệp thì Sông Lam Nghệ An và sau đó là Cảng Sài Gòn vô địch bởi truyền thống và lực lượng còn mạnh. Chỉ có CLB Ngân hàng Đông Á được xem như đội bóng được quản lý hoàn toàn bởi doanh nghiệp cổ phần. Mô hình bóng đá doanh nghiệp được áp dụng thành công vào Hoàng Anh Gia Lai và Gạch Đồng Tâm Long An (2002) nhưng cũng phải mất 6 năm, mô hình ấy mới được nhân rộng (2008).
Trong khoảng thời gian ấy, nhiều đội trực thuộc quyền quản lý trực tiếp từ Sở TDTT đã đi theo mô hình kết hợp với những nhà tài trợ để gắn tên theo đội bóng như trường hợp của Bình Định gắn với Hoa Lâm, Boss, Pisico hay Sông Lam Nghệ An gắn với Lilama, Tài chính dầu khí.
Trong khi đó, một số đội bóng lại nằm dưới sự quản lý của một công ty nhà nước có tiềm lực nhất ở địa phương đó như Khatoco Khánh Hòa, hay Becamex Bình Dương.
Từ 2011 đến nay, các đội bóng ở Việt Nam chuyển mạnh sang hình thức công ty cổ phần bóng đá chịu sự quản lý từ những công ty mẹ. Vai trò của các ông bầu được nâng lên đáng kể bởi họ là ông chủ trực tiếp của các đội bóng chứ không phải tập thể nào đó.
Người ta thường tôn vinh những người đi đầu nhưng cũng cần phải nói ở Việt Nam, chuyện học hỏi cách làm của nhau là rất nhanh. Việc xây dựng mô hình một đội bóng mạnh cũng đã được các đội nghiên cứu rất kỹ và nhanh chóng tìm ra chìa khoá thành công.
Bongdaplus.vn