Rất khó tưởng tượng một HLV tới từ châu Âu và sở hữu bằng cấp chuyên nghiệp như HLV Goetz lại có những hành động kiểu như phản ứng dữ dội ở trên sân ngay sau mỗi pha xử lý hỏng của cầu thủ. Tương tự như thế, không ai tin nổi các học trò có đôi chân trị giá hàng chục tỷ đồng của HLV Goetz lại có thể hỏng ăn ở những tình huống kiểu như đá ra ngoài còn khó hơn đá vào trong.
Trong 3 đời HLV ngoại gần nhất của các ĐTQG là Alfred Riedl, Henrique Calisto và Goetz thì ông Calisto là người giỏi làm công tác tâm lý chiến nhất, nhưng suy cho cùng thì trong bóng đá chuyên môn mới là yếu tố mang tính quyết định, vì chỉ khi trình độ chơi bóng được thừa nhận ở đẳng cấp cao một cách rộng rãi thì từ đó mới có tâm lý tự tin và thoải mái trong mỗi lần ra sân.
Hẳn không ai quên U23 VN của HLV Calisto đã thất bại cay đắng đến thế nào trước U23 Malaysia trong trận chung kết SEA Games 25, hay việc ĐTVN bị truất phế danh hiệu ĐKVĐ AFF Suzuki Cup có thể dự báo từ trước nếu nhìn vào quá trình thể hiện của đội bóng cũng như phong độ mà thầy trò HLV Calisto thể hiện ở vòng bảng. Ai dám bảo HLV Calisto không biết làm công tác tâm lý, nhưng cũng chẳng hiếm lần ông thầy người Bồ Đào Nha hoàn toàn bất lực, dù là khi làm việc cho ĐTQG hay lúc còn dẫn dắt ĐT.LA.
SEA Games 22 năm 2003, U23 VN dưới tay HLV Riedl lúc ấy có thực lực chẳng khác nào ĐTQG và chúng ta lại có lợi thế sân nhà ủng hộ, nhưng rốt cuộc vẫn phải thất bại trước U23 Thái Lan trong trận chung kết. Cách chơi bóng của ĐTQG và U23 Malaysia ở 3 kỳ giải khu vực gần đây nhất cũng có nét nào đó hao hao với Thái Lan thời kỳ đỉnh cao gần 10 năm về trước.
Những lúc thế này HLV Goetz liệu có muốn một chuyên gia tâm lý?- Ảnh: Quốc Khánh
Đấy là lối chơi lỳ lợm, dựa trên nền tảng thể lực sung mãn và kỹ chiến thuật hoàn hảo. Với hành trang như thế, dù là đá trên sân khách hay sân nhà cũng chẳng phải là vấn đề, giống như cái cách mà U23 Malaysia đã 2 lần quật ngã chủ nhà U23 Indonesia ngay giữa chảo lửa Gelora Bung Karno ở SEA Games 26 vậy.
Chưa cần ra sân cũng biết đối phương ngoài lợi thế chủ nhà thì không có gì hơn mình và lại còn biết cách khắc chế lối chơi của đối thủ, thì chẳng trách U23 Malaysia lại làm được chiến tích kỳ diệu như thế, dù họ không mang tới SEA Games 26 đội hình mạnh nhất vì còn phải chia sẻ lực lượng cho vòng loại Olympic London 2012.
Trong khi đó, hành trang của U23 VN tại SEA Games 26 là gì, khi trong tay HLV Goetz chỉ có 5 tuyển thủ QG và thành phần tuyển thủ U23 VN còn có không ít cầu thủ không thi đấu ở hạng cao nhất của bóng đá VN, và thậm chí có những người còn chưa từng nếm trải hương vị V-League.
Từ cách đây 2 năm, tại SEA Games 25, mặt trái của việc bóng đá chuyên nghiệp VN phát triển quá nóng mà thiếu nền tảng bền vững đã thể hiện rõ qua việc HLV Calisto phải chờ tới sát ngày lên đường sang Lào mới chốt lại được thành phần chính thức của U23 VN, bởi những lựa chọn về nhân sự trong tay ông là quá ít ỏi và không đủ chất lượng cần thiết.
Nên nhớ rằng lúc ấy HLV Calisto đã có tới 10 năm làm việc cùng bóng đá VN và đã trải qua kỳ AFF Suzuki Cup 2008 cực kỳ thành công mà còn khó khăn như vậy, trong khi HLV Goetz mới chân ướt chân ráo tới VN và số trận mà ông xem được ở giải VĐQG và hạng Nhất cũng chẳng được bao nhiêu nên danh sách tuyển thủ phải phụ thuộc vào sự lựa chọn của các trợ lý.
Đến với SEA Games 26 bằng thành phần cầu thủ như thế và lại phải nhận chỉ tiêu vào chung kết mà HLV Goetz không bị áp lực tâm lý quá mức rồi nhiều lúc dẫn tới tình trạng quẫn bách thì mới là chuyện lạ. Tương tự như thế là các học trò của ông, và dám chắc là nếu U23 VN được mang theo chuyên gia tâm lý tới Jakarta thì cũng khó bề cứu vãn nổi tình hình, vì chính HLV Goetz từng nói “người thi đấu trong sân là các cầu thủ chứ không phải HLV”.
Vì thế, chỉ khi nào thể lực và trình độ kỹ chiến thuật của các cầu thủ tạo nên sự yên tâm và tin tưởng cho người hâm mộ thì có lẽ lúc ấy chúng ta mới nên tính tới việc tuyển chọn chuyên gia tâm lý cho ĐT.
Hoàng Huy
Thethaovanhoa.vn