Không có bất cứ mối liên quan nào nhưng bầu Thụy và các cầu thủ U23 Việt Nam đều có điểm chung là bị gắn liền những nghi ngờ tiêu cực trong suốt thời gian qua. Không chịu được sự bất công khi đầu tư làm bóng đá rồi bị hoài nghi tiêu cực, bầu Thụy đã bán CLB. Còn tất cả các cầu thủ U23 Việt Nam đang chìm trong nỗi chán nản vì bị gán tội danh “bán độ” để rồi “mất hết niềm tin”, “không còn động lực”…
Những câu hỏi một chiều…
Vài tháng qua, BĐVN bị ảnh hưởng bởi những tin đồn liên quan đến tiêu cực. Hàng loạt những câu hỏi một chiều được đưa ra như để cố chứng minh rằng tiêu cực đang tàn phá bóng đá và đương nhiên rất thiếu những cái nhìn đa chiều, khách quan. Trong lễ tổng kết mùa giải V.League 2011, người ta hoài nghi rằng các trọng tài không dám bắt chặt với SHB.ĐN bởi đó là đội bóng quê hương của ông Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
Nhưng chẳng ai đề cập đến trường hợp “quân pháp bất vị thân” như đội Quảng Ninh, quê hương của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, không thể lên chơi ở V.League năm 2010 bởi hạng Nhất chưa có đủ số đội được chuyên nghiệp.
Khi đã vô địch V.League 2010, HN.T&T thua HAGL tới 1-4 trong ngày đón Cúp và ngay lập tức, người ta lấy đó để chứng minh đội bóng thủ đô không xứng đáng. Một năm sau, cũng đăng quang chức vô địch Hạng Nhất, SG.XT thua SQC.BĐ thì lại bị chỉ mặt là tiêu cực. HN.T&T bức xúc và ấm ức, còn bầu Thụy của SG.XT khẳng định một trong những lý do chia tay bóng đá là bởi ông không chịu được sự bất công từ báo chí, dư luận.
1 ngày trước trận tranh giải ba tại SEA Games 26, HLV Phan Thanh Hùng rất bức xúc vì các học trò của ông bị nghi ngờ tiêu cực. Ông Hùng quả quyết: “Tôi là thầy, hơn ai hết, tôi hiểu tâm lý của từng học trò. Tại sao khi Văn Thắng ghi bàn, nhiều cầu thủ lại không ăn mừng? Là bởi vì các cầu thủ coi đó là chuyện tất yếu và chẳng có gì phải quá mừng vui trong thế trận đã ngã ngũ. Nếu bàn thắng đó vào lưới Indonesia hay Malaysia thì tâm trạng của các cầu thủ sẽ khác hoàn toàn. Chỉ từ một khoảnh khắc như vậy mà nói họ tiêu cực thì đúng là chẳng hiểu gì về tâm lý cầu thủ và quá ác với toàn đội khi giải vẫn đang diễn ra”.
… và nỗi cô độc của cầu thủ
Không thể kể hết sự thất vọng của các cầu thủ U23 Việt Nam khi trở về nước và tất cả đều lựa chọn phương án tắt điện thoại, sử dụng số mới và náu mình trong vòng tay gia đình. Họ đã nỗ lực, đã đổ máu, thậm chí là trở về với vết thương thì lại lĩnh thêm một đòn chí mạng đánh thẳng vào danh dự cá nhân, uy tín gia đình. Họ không muốn nói chuyện, gặp gỡ bất cứ ai bởi những câu hỏi vô tình sẽ làm họ thêm đau một nỗi đau chưa lành. Sáng ra, tôi sững sờ khi nhận tin nhắn với nội dung: “bọn em đã vắt kiệt sức rồi, đá bằng cả mồ hôi và máu mà vẫn bị chửi rủa bán độ thế đấy? Nhục và uất quá, anh ạ!”. Gọi lại, thuê bao đã tắt máy!
Có sống trong không khí ở khách sạn Sultan mới biết các cầu thủ U23 Việt Nam chịu sức ép nặng nề ra sao và cũng buồn bực như thế nào trước những lời cáo buộc hết sức vô căn cứ. Chính các cầu thủ cũng khẳng định rằng toàn đội mất tinh thần bởi những thông tin ác ý kia. HLV Falko Goetz nói thẳng rằng chẳng bao giờ có tiêu cực ở đội U23 Việt Nam. Ông tin các học trò một cách tuyệt đối bởi “họ là người có đủ trí tuệ để hiểu rằng nếu bán độ sẽ mất cả tương lai mới chớm nở, ảnh hưởng uy tín cả gia đình. Chẳng có ai ngu dại đến mức đánh đổi cả một tương lai tươi sáng chỉ vì một trận đấu, một giải đấu…”.
Cho tới ngày hôm nay, những người trong cuộc, từ nhân viên an ninh đi cùng đội U23 Việt Nam, tới các thành viên BHL và tất cả các cầu thủ đều phủ nhận thông tin có bán độ. Tất cả đều khẳng định những nghi ngờ là vô căn cứ. “Tội mất không nặng bằng tội ngờ”, ông cha ta bao đời nay đã đúc kết như thế và bóng đá Việt Nam đang bị tàn phá bởi một chữ: Ngờ!
HỌ ĐÃ NÓI
Tiền đạo Văn Quyết:
“Tôi rất bất ngờ khi hay tin một số tờ báo và NHM cho rằng chúng tôi bán độ. Những ngày qua với tôi thật khó khăn. Cả gia đình tôi cũng chịu áp lực lớn. Tôi luôn ra sân thi đấu với tất cả nhiệt huyết và lòng đam mê. Không đạt được thành tích như mong muốn, tôi và đồng đội buồn lắm chứ. Tình huống mà người ta mang ra mổ xẻ và bảo rằng tôi có dấu hiệu bán độ ư? Thật nực cười, bởi ngay cả khi thi đấu ở HN. T&T, tôi cũng thường ăn mừng như thế. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh: Tôi và đồng đội đã nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo tổ quốc và cảm thấy không có gì phải hổ thẹn”.
Tiền vệ Trọng Hoàng:
“Từ khi về nhà, tôi không muốn ra ngoài gặp bất cứ ai vì quá mệt mỏi với những tin đồn bán độ. Tôi cũng buồn với giới truyền thông, họ đã gieo niềm tin cho NHM rồi lại tạo áp lực lớn cho chúng tôi mà không đánh giá đúng sức mạnh của U23 Việt Nam cũng như các đối thủ khác. Chúng tôi chỉ có một vài cầu thủ thường xuyên thi đấu ở V.League, còn lại đa số chơi ở hạng Nhất và các giải trẻ. Tình huống tôi đá penalty ra ngoài chỉ là một tai nạn. Tương lai của tôi còn dài, tôi không dại đến mức bán rẻ nó. Tôi chỉ mong công an vào cuộc để đem lại công bằng cho chúng tôi!”.
Tiền vệ Văn Thắng:
“Thông tin của một số tờ báo vừa qua khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi không muốn nêu đích danh nhưng thực tế, một số tờ báo trong quá trình diễn ra SEA Games đã tác động không tốt tới tâm lý các cầu thủ. Còn với NHM, tôi chỉ mong họ đánh giá khách quan và thông cảm cho những cầu thủ trẻ chúng tôi nhiều hơn nữa. Chúng tôi đã nỗ lực để giành huy chương nhưng thất bại. Ai cũng buồn và khi ấy, giá như nhận được những lời động viên, cảm thông từ truyền thông thì có lẽ chúng tôi ấm lòng hơn chứ không hụt hẫng như lúc này”.
Đội trưởng Thành Lương chọn cách im lặng
TIẾNG NÓI CỔ ĐỘNG VIÊN
CĐV NGUYỄN THỊ HỒNG THÚY: “Họ không phải CĐV chân chính”
Hôm vừa rồi, tôi nghe Thành Lương nói nấc rằng “người ta bảo bọn cháu bán độ”, tôi rất buồn. Đổ xương, ướt máu rồi đấy mà vẫn bị lên án, bị nghi ngờ. Đọc báo, thương các cháu quá! Những lúc đội tuyển gặp khó khăn, CĐV càng phải động viên, càng phải khuyến khích các cháu chiến đấu chứ bởi chúng ta đều là người Việt Nam mà. Thế nhưng, họ quay sang chỉ trích, mắng mỏ.
Nó giống như các anh ấy sai con mình làm một việc rất khó nhưng cứ đứng sau mắng nhiếc thì làm sao con anh làm được. Mắc lỗi một tý thì mắng nhiếc, sỉ vả, thế mình còn xứng đáng là phụ huynh không? Những người tự nhận mình là CĐV mà như thế thì không bao giờ xứng đáng đứng trong hàng ngũ CĐV Việt Nam chân chính. Tôi biết, không ít người trong số họ sang Indonesia chẳng xuất phát từ niềm tự hào dân tộc hay tinh thần thể thao.
Trong thời điểm này, tôi muốn nói với các cầu thủ rằng NHM chân chính chúng tôi luôn đứng bên cạnh các cầu thủ, chia sẻ với họ và những lúc này, tôi càng thấy thương yêu các cầu thủ hơn. Nói thật, dù U23 Việt Nam thua 2 trận cuối cùng nhưng những CĐV vẫn khiêng trống, vác chiêng về Việt Nam và sẽ còn tiếp tục cổ vũ các cháu với tình cảm vẹn nguyên, thậm chí còn cuồng nhiệt hơn trước. Các cầu thủ sẽ không bao giờ cô đơn!
NGHỆ SỸ ĐỨC TRUNG:: “Không được nhân danh Hội CĐV Việt Nam!”
Trước việc một số tờ báo đăng thư ngỏ của Hội CĐV Việt Nam yêu cầu HLV Falko Goetz và Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn từ chức, nghệ sỹ ưu tú Đức Trung, Chủ tịch lâm thời Hội CĐV Việt Nam bày tỏ sự bức xúc: “Ngay sau khi trở về từ Indonesia, anh Trần Song Hải, một CĐV tại TP.HCM có gọi điện cho tôi đề nghị ký tên vào thư ngỏ gửi các cơ quan báo chí. Tôi đọc qua và nói với anh Hải rằng, “tớ không thể ký. Cần phải thận trọng để đánh giá mọi việc một cách khách quan, bởi chúng ta là Hội CĐV Việt Nam, những người am hiểu nhất về tình hình của đội. Cậu và một số người có thể ký tên nhưng chỉ được đứng trên phương diện cá nhân, không được nhân danh Hội CĐV Việt Nam”. Với tư cách là Chủ tịch lâm thời, tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng ở Hội CĐV Việt Nam. Tôi xin nhấn mạnh là Hội CĐV Việt Nam không gửi thư ngỏ đến các cơ quan báo chí. Đó là hành động và quan điểm của cá nhân anh Trần Song Hải”.
Điều đáng nói, không chỉ nhân danh Hội CĐV Việt Nam gửi thư đến các cơ quan truyền thông, ông Trần Song Hải còn mạo danh là Phó Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam. Theo nhà giáo Nguyễn Mạnh Hiền, nguyên Chủ tịch Hội CĐV Hải Phòng, một trong những CĐV nhiệt thành nhất của ĐTVN, cho tới thời điểm này chưa có bất cứ đại hội nào của Hội CĐV Việt Nam bầu ông Trần Song Hải làm Phó Chủ tịch Hội mà tất cả là do ông Hải tự nhận.
Bongdaplus.vn