Tôi là người theo dõi sát sao từng bước đi của ĐT U23 Việt Nam, từ quá trình tuyển chọn nhân sự, tập huấn đến thi đấu. Là một nhà chuyên môn, một người Việt Nam, đứng trước thất bại của ĐT U23, tôi cảm thấy buồn, nhưng công bằng mà nói, đây không phải là một kết cục quá đỗi bất ngờ. Nhưng, điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta ứng xử như thế nào trước nỗi đau, bởi nếu không nhận thức đúng, bóng đá Việt Nam rất khó để thoát ra khỏi cú sốc SEA Games 26.
Bất ngờ rất đỗi…bình thường
Điều đầu tiên tôi muốn nói đến là mối nghi ngờ về những “bất thường” liên quan đến ĐT U23 Việt Nam tại SEA Games 26, đặc biệt là trận đấu với U23 Lào. Mấy ngày qua, một bộ phận dư luận đã giải mã sự bế tắc của các cầu thủ trong trận đấu này là do có “âm mưu” dàn xếp tỷ số. Thôi thì “một mất mười ngờ”, nhưng với con mắt của một nhà chuyên môn, một người đã từng lăn lộn với trái bóng, tôi có những quan điểm khác.
Về điều mà một số ý kiến gọi là “sự hời hợt, không muốn thắng của U23 Việt Nam” trong trận đấu với U23 Lào, tôi cho rằng, cần phải nhìn nhận vấn đề theo lăng kính chuyên môn. Câu hỏi đặt ra là tại sao các cầu thủ của chúng ta bị “ì” trong trận đấu với U23 Lào, đặc biệt là trong hiệp 1? Phải chăng, có ai đó cố tình xìu để bẻ trận đấu theo kịch bản định sẵn? Tôi cho rằng, vấn đề cốt yếu chính là quãng nghỉ quá dài trước trận đấu với U23 Lào (5 ngày). Đang trong thời gian thi đấu mà nghỉ nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến vận động của các cầu thủ. Thông thường, với các HLV chúng tôi, cần phải có giải pháp cho tình huống này và đảm bảo thể lực cho cả chặng đường dài. Chúng ta tin sẽ vượt qua U23 Lào. Đó là niềm tin có cơ sở. Thế nên, tôi tin rằng, HLV Falko Goetz đã cho các cầu thủ tập sức mạnh, sức bền trước trận đấu với Lào. Tôi nghĩ đến điều này qua quá trình theo dõi phản ảnh của báo chí. Một tờ báo đã thông tin rằng, U23 Việt Nam tìm được một phòng tập thể lực tại khách sạn Sultan và thầy trò Falko Goetz tập luyện rất hăng say. Nhưng chính điều đó khiến cho các cầu thủ bị ì trong hiệp 1 trận gặp U23 Lào. Mọi việc chỉ khá hơn vào hiệp 2 khi các cầu thủ đã quen với nhịp vận động ở cường độ cao.
Tôi nhấn mạnh rằng, Falko Goetz không sai lầm khi bắt các cầu thủ tập sức mạnh, sức bền trong thời gian thi đấu. Đây là sự chuẩn bị cần thiết cho trận bán kết với những đối thủ dồi dào về thể lực, dạn dày về kinh nghiệm trận mạc. Thực tế trên sân đã cho thấy, trong trận đấu với U23 Indonesia, các cầu thủ của chúng ta không hề thua kém đối thủ về sức mạnh, sự nhanh nhẹn. Khác biệt duy nhất, quyết định sự thành bại ở đây chính là bản lĩnh trận mạc. Điều này thì các cầu thủ của chúng ta thua họ.
Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, sự bất thường trong trận đấu với U23 Lào là rất đỗi bình thường chứ không có một âm mưu nào đó hòng dàn xếp tỷ số trận đấu.
Thua vì thiếu trục dọc
Xin nhấn mạnh rằng, chúng ta đã đem đến SEA Games 26 một đội ngũ yếu nhất từ trước đến nay. Ai cũng bảo, chúng ta vẫn có những cầu thủ giỏi. Điều đó đúng. Nhưng theo quan điểm của tôi, đó là mẫu những cầu thủ “đá bóng” chứ không phải “đấu bóng”. Có nghĩa là họ kỹ thuật cá nhân tốt, biểu diễn điêu luyện, nhưng khi đưa vào một hệ thống, bắt buộc phải thi đấu, họ không đáp ứng được yêu cầu.
Khi xây dựng một đội bóng, bất cứ HLV nào cũng phải nghĩ đến những cầu thủ đặc thù, một trục dọc. Thật đáng buồn là dù có những ngôi sao như Thành Lương, Trọng Hoàng, Văn Quyết, nhưng đó không phải là những cầu thủ đặc thù cần có của U23 Việt Nam. Tôi nhận thấy rằng, cầu thủ duy nhất đáp ứng được yêu cầu này chính là Bửu Ngọc. Anh ấy là ngôi sao sáng nhất của ĐT U23 Việt Nam và sẽ trở thành một nhân tố quan trọng của ĐTQG trong thời gian tới.
Vậy nên, tôi có cảm giác, HLV Falko Goetz luôn gặp khó khăn trong việc xây dựng bộ khung cho ĐT U23 Việt Nam. Ông xáo tung đội hình cũng là do bế tắc trong việc tìm người, đặt vào những vị trí trọng yếu. Nhưng cuối cùng, những cố gắng của ông Falko Goetz không mang lại kết quả bởi thiếu những quân bài phù hợp. Chúng ta không có được một bộ khung ổn định, với những trụ cột ở từng tuyến làm chỗ dựa cho các cầu thủ khác. Xáo trộn về nhân sự là điều tối kỵ trong một giải đấu chính thức, nhưng rất tiếc, đó lại là những gì đã xảy ra ở ĐT U23 Việt Nam.
Tôi thấy rằng, ở SEA Games lần này, chúng ta thiếu một trung vệ bản lĩnh. Long Giang kinh nghiệm đầy mình nhưng anh không phải là mẫu người ông Falko Goetz cần. Anh ấy kém về thể hình, yếu về tốc độ nên không thể trở thành chốt chặn lý tưởng. U23 Việt Nam cũng thiếu một cầu thủ đánh chặn cỡ như Quốc Vượng, hoặc Tấn Tài, Minh Châu. Văn Bình, Hoàng Thịnh, thậm chí cả Trọng Hoàng, Văn Thắng mới chỉ tròn vai, chứ không phải là mẫu cầu thủ có thể gánh cả tuyến giữa.
Muốn chơi tấn công, áp đặt lối chơi, chúng ta phải có một chuyên gia làm bóng như Hồng Sơn, hoặc Tài Em, Minh Phương. Điều này cũng không có ở U23 Việt Nam dù Thành Lương có thừa sự khéo léo nhưng vai trò của anh bị bó hẹp ở hai bên cánh. Nhiều người lại nói, tại sao U23 Việt Nam không chơi phản công? Đây cũng là bài toán khó khi trong tay ông Falko Goetz không có mẫu trung phong điển hình. Văn Quyết, Văn Thắng, Hoàng Thiên và cả Đình Tùng không hội đủ những điều kiện cần có của một trung phong.
Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, thất bại của ĐT U23 Việt Nam là khó tránh khỏi khi chúng ta yếu và thiếu, còn đối thủ quá toàn năng. Với từng ấy con người cùng những hạn chế của họ, rất khó để Falko Goetz xoay chuyển tình thế. Dù rằng, theo quan điểm của tôi, ông đã chuẩn bị cho các cầu thủ một nền tảng thể lực khá tốt. Nhưng nên nhớ rằng, tại SEA Games lần này, không có những đội bóng yếu về thể lực. Vậy nên, khi sức ngang nhau thì tài năng và bản lĩnh trận mạc sẽ quyết định tất cả. Chúng ta thua vì kém hơn đối thủ. Đó là một thực tế. Dù rất buồn nhưng phải chấp nhận. Chấp nhận để cố gắng thay đổi trong thời gian tới, chứ giờ không nên để nỗi buồn che lấp lý trí.
Bongdaplus.vn