Giành 2 HCV, phá kỷ lục SEA Games 26 với thành tích 53’07’’ ở nội dung 100m bơi bướm nam, Hoàng Quý Phước đã trở thành “chàng trai vàng” của thể thao Việt Nam. Nhưng đằng sau những chiếc huy chương lấp lánh ấy là những câu chuyện xúc động của chàng trai vừa bước qua tuổi 18.Nhà gần biển nên mới 3 tuổi, Phước đã lon ton theo chị ruột Hoàng Thị Tuấn Tú và anh trai Hoàng Đăng Ngọc Minh ra biển chơi. Không hiểu sao, tiếng sóng biển rì rào và những con sóng lăn tăn vỗ bờ lại có sức thu hút cậu bé Hoàng Quý Phước đến vậy. Có hôm Phước trốn nhà đi tắm biển, mải chơi cậu bé sa chân vào vùng nước sâu, may có mấy anh trong xóm nhìn thấy bơi ra cứu. Về nhà, áo quần Phước ướt sũng, người tím tái vì lạnh, lại bị mẹ đánh đòn, nhưng ngay hôm sau cậu bé lại lon ton ra biển.
Dường như, Phước sinh ra vốn để dành cho bơi lội. Vậy nên ngày thầy Phan Thanh Toại, HLV bơi lội thành phố Đà Nẵng tìm đến nhà xin cho Phước đi tập trung với đội tuyển năng khiếu, gia đình lập tức đồng ý. Nhắc lại chuyện cũ, bà Nguyễn Thị Tại - mẹ Phước - vẫn còn cười: “Thấy con ham bơi, lại nghĩ cho con tập luyện thể thao sẽ có lợi cho sức khỏe thì gia đình chấp nhận chứ ai dám nghĩ nó được như bây giờ”.
Nhận thấy tố chất đầy tiềm năng của Phước, lãnh đạo ngành thể thao Đà Nẵng đã quyết định đầu tư chuyên sâu cho cậu. Thế nhưng với một cậu bé mới hơn 10 tuổi đầu, việc phải xa nhà theo những chuyến tập huấn triền miên quả chẳng dễ dàng. Mới 13 tuổi, Phước đã khăn gói sang Nam Ninh (Trung Quốc) tập huấn dài hạn. Ở xứ người, nhiều lúc Phước đã bật khóc vì nhớ nhà, nhất là vào dịp Tết cổ truyền, cả trung tâm huấn luyện chỉ còn vài VĐV. Những lúc ấy, Phước lại nhớ đến lời dặn của ba trước lúc lên đường: “Không làm thì thôi, còn đã làm việc gì thì phải làm cho đến cùng” để cố gắng vượt qua.
Những nỗ lực, hy sinh của Phước giờ đã được đền đáp bằng hàng trăm tấm huy chương ở các giải đấu trong nước và quốc tế mà mới đây nhất là 2 chiếc HCV tại SEA Games 26.So với những bạn đồng trang lứa, Hoàng Quý Phước có gia cảnh khá đặc biệt. Cha mẹ đến với nhau trong tình cảnh “rổ rá cạp lại”. Thế nhưng, trong một gia đình có cả “con anh, con tôi, con chúng ta” ấy, tình yêu thương lại luôn ngập tràn. Các anh chị em đều dành tình yêu thương đặc biệt cho cậu em út.
Vừa chào đời, cậu út đã khiến mọi người không khỏi kinh ngạc với cân nặng 4,5 kg của mình. Cũng vì con nặng ký mà bà Nguyễn Thị Tại đã suýt mất mạng trên bàn đẻ, may mà các bác sĩ phẫu thuật kịp thời nên mới mẹ tròn, con vuông. Bởi sinh mổ, dùng thuốc kháng sinh nhiều nên bà Tại bị mất sữa ngay sau khi sinh Phước. Thương em út, mọi người trong nhà phải bế Phước đi bú nhờ bà con chòm xóm.
Cũng may, bà Tại vốn buôn bán thịt ngoài chợ nên khẩu phần của Phước hàng ngày vẫn được bảo đảm nhờ món chân giò hầm lấy nước cho cậu bé uống thay sữa. Tất nhiên, dù có chăm lo bồi dưỡng thế nào chăng nữa cũng không thể thay thế được sữa mẹ. Nuôi mãi, Phước chỉ phát triển được chiều cao còn cơ thể lại gầy tong teo. Bởi vậy, người nhà mới gọi Phước bằng cái tên: Bảy “ròm”.
Quý Phước giờ đã không còn “ròm” nữa mà đã là chàng trai phổng phao tuổi 18 đầy tài năng của thể thao nước nhà. Thế nhưng, trong mắt mọi người, Phước vẫn là cậu em út bé nhỏ như ngày nào. Những lúc tập luyện ở Đà Nẵng, các anh chị vẫn thay nhau mỗi ngày đưa đón Phước đi tập. Đến kỳ nhận lương, tiền công tập luyện, chị Tú cũng là người ký nhận, sau đó gửi vào tài khoản mang tên Phước và quản lý mọi chi tiêu của em. Đến bây giờ, dù tài khoản đã kha khá nhờ những món tiền thưởng khi giành huy chương, nhưng mọi khoản chi tiêu, Phước đều xin ý kiến của gia đình.
Lúc ba còn sống, hễ có được ngày nghỉ nào là Phước lại tranh thủ về nhà, chăm sóc, nói chuyện cho ba đỡ buồn. Những lúc đi thi đấu nước ngoài, Phước đều mua quà cho ba mẹ, khi thì lọ dầu, lúc là hộp thuốc bổ. Bây giờ ba đã mất, mọi tình yêu thương, Phước dồn cả cho mẹ. Đi đâu, làm gì, Phước cũng gọi điện về thủ thỉ tâm sự, hỏi han sức khỏe của mẹ và mọi người trong gia đình.
Thi đấu ở SEA Games 26 xong, về đến Đà Nẵng, sau khi hoàn thành nghĩa vụ với địa phương, với các thầy, Phước lại chạy về nhà. Việc đầu tiên sau khi bước chân vào căn nhà nhỏ trên đường Tô Hiến Thành (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) là Phước chạy lên gác thắp hương báo công với ba, với ông bà tổ tiên, sau đó đem 2 tấm HCV vừa giành được ra tặng mẹ rồi vào bếp làm món trứng chiên quen thuộc để đãi mọi người trong nhà. Bữa cơm gia đình đầm ấm, rộn rã tiếng cười trong ngôi nhà nhỏ là một phần điểm tựa để Hoàng Quý Phước chinh phục những đỉnh cao mới, trong tương lai.
Bongdaplus.vn