
Ai đó bảo rằng, cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền. Hay nói như dân gian thì, “có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng với thị trường chuyển nhượng cầu thủ ngoại, tiền đôi khi chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ cho thành công của một thương vụ là may mắn.
Và vì có tiền, chấp nhận chơi đẹp, thậm chí tiêu hoang mà vẫn mua phải “hàng rởm” nên người ta luôn run khi đi chợ cầu thủ ngoại. Sự thành bại của một đội bóng phụ thuộc rất lớn vào việc chọn ngoại binh. Vậy nên, trách nhiệm của những người đi mua là phải chọn được những cầu thủ đáng đồng tiền bát gạo.
Chưa bao giờ các đội bóng Việt Nam cảm thấy vất vả và lo lắng với việc tuyển mộ ngoại binh đến vậy. Đơn giản bởi, trong bóng đá, đặc biệt là việc tuyển chọn ngoại binh thì một lần ngã chưa chắc lần sau đã bớt dại. Bất cứ ai cũng có thể đi từ sai lầm này đến sai lầm khác lớn hơn dù đã cố thuộc lòng những bài học điển hình. Và cũng vì thế mà người ta sợ đủ thứ. Sợ phải nghe những lời giới thiệu có cánh. Sợ phải xem băng hình và bản sơ yếu lý lịch vốn đẹp như tranh mà các nhà môi giới đưa cho. Và họ cũng sợ phải thử việc quá nhiều ngoại binh “đồng thau lẫn lộn”.
Có lần, cán bộ điều hành ở một đội bóng tâm sự: “giờ tôi không thích xem băng hình giới thiệu cầu thủ. Cũng không mang xe ra sân bay đón họ nữa. Nhiều quá, xem không xuể, đón chẳng hết. Mệt lắm rồi, ông nào thích thì tự đến, mà chúng tôi cũng chỉ thử việc 2 ngày, không hơn”.
Cái sự chán chường trên xuất phát từ nỗi thất vọng tràn trề của các đội bóng trong quá trình thử việc ngoại binh. Có đội bóng thử việc đến 50 cầu thủ mà vẫn không tìm được một người ưng ý. Tiền hao, công tốn, nhưng kết quả thu được thì là một số 0 tròn trĩnh. Nhưng điều đáng nói, các đội bóng sợ bị rơi vào mê hồn trận để cuối cùng phải chọn đại một ngoại binh chất lượng kém và phải trả giá vì sự dễ dãi của mình.
Các đội bóng ngày một thiếu tự tin trong việc chọn lựa ngoại binh dù có rất nhiều tiền. Đó là một thực tế. Cội rễ của vấn đề là sự hỗn loạn của thị trường cầu thủ ngoại. Có quá nhiều nguồn cung cùng những thao tác nơi hậu trường liên quan đến các ngoại binh. Nhưng có điều, không có một tiêu chí và sự kiểm định nào về chất lượng đầu vào, dẫn đến tình trạng các nhà tuyển trạch luôn bị đẩy vào thế bỏ thì thương mà vương thì sợ… hố.
Nhiều người cho rằng, Việt Nam là thị trường béo bở cho các nhà môi giới và cầu thủ ngoại. Nếu may mắn, bất cứ ai cũng có thể làm giàu. Lối suy nghĩ ấy đã tạo áp lực rất lớn lên thị trường bởi những làn sóng ngoại binh liên tục đổ về Việt Nam. Vậy nên, từ chỗ hồ hởi đón tiếp, các đội bóng dần trở nên khó tính, thậm chí vô cảm với những lời giới thiệu có cánh. Họ tin vào thực tế hơn là những lời đảm bảo của các nhà môi giới. Nhưng có điều, dù chú tâm vào chọn lựa trên sân tập, các đội bóng vẫn cảm thấy ái ngại bởi tìm được một cột cờ trong vô vàn chiếc đũa vứt tứ tung chẳng phải dễ dàng.
Bongdaplus.vn