
Hòa Phát Hà Nội được chuyển cho bầu Kiên để mang một cái tên mới. Sự kiện này chưa hết nóng thì dư luận lại râm ran tin, bầu Thụy muốn đẩy đội bóng cho ông chủ khác. Chẳng ai phủ nhận, cũng chẳng ai khẳng định, sự việc tưởng chừng rơi vào quên lãng thì chiều qua, người ta đã chính thức thông báo, SG.XT sẽ mang cái tên mới.
Cuối cùng thì bầu Thụy cũng bỏ cuộc chơi. Vài tháng trước, doanh nhân này rút lui khỏi bóng đá Quảng Nam. Nhiều người hy vọng, đó là hành động thoái lui chiến lược để dồn binh lực cho SG.XT. Nhưng rút cuộc, ông bầu này cũng bỏ luôn đội bóng mà mình tốn không ít tiền đầu tư. Ai đó bảo, khi người ta đã chán, hoặc không đạt được điều mình muốn thì thật khó để giữ chân. Lúc ấy, một đội bóng non trẻ cùng thương hiệu mới manh nha của nó chẳng đáng gì.
Vậy là bầu Thụy đá quả bóng sang cho một doanh nghiệp khác. Nhẹ nhàng, nhanh chóng và dứt khoát như ngày đầu đến với bóng đá. Nhưng dù có nói thế nào thì đội bóng vẫn được chuyển giao và thêm một lần nữa, người ta thấy sự mong manh của các đội bóng Việt Nam. Ồn ào đấy, hào nhoáng đấy, nhưng tất cả chỉ như ngọn đèn trước gió. Biết đâu, vào một ngày không đẹp trời, ông chủ nhận ra rằng mình đã hoàn thành mục tiêu thì lập tức, thương hiệu đội bóng sẽ bị xóa sổ.
Nói vậy, nhưng chẳng thể khác, bởi quả bóng đang nằm trong chân các ông bầu. Đá thế nào phụ thuộc vào họ, bởi các đội bóng vẫn chưa thể sống bằng các hoạt động của mình. Tất nhiên, không thể phủ nhận vai trò của các đội bóng đối với chiến lược kinh doanh của các ông chủ. Nhưng chính sự ràng buộc về ích lợi, chứ không hẳn là đam mê và trách nhiệm khiến cho tính ổn định của thương hiệu các đội bóng bị ảnh hưởng. Bởi nếu đam mê đã tận, mục tiêu đã thành thì người ta sẵn sàng xóa sổ một cái tên.
Vậy nên, mong sao bóng đá Việt Nam mau chóng chuyên nghiệp để có thể tự sống mình. Và cũng mong, sân chơi này sẽ được đón tiếp những ông bầu đến với mình bằng niềm đam mê thực sự cùng cam kết gắn bó lâu dài.
Bongdaplus.vn