Quá khó để làm một cuộc đối thoại với các cầu thủ U23 Việt Nam vừa trở về từ Indonesia. Điện thoại của họ để chế độ tắt hoặc nếu nghe đến chuyện phỏng vấn là cầu thủ từ chối ngay. Chỉ đến buổi tối hôm qua, chúng tôi mới liên lạc được với trung vệ Trương Huỳnh Phú để nghe anh nói về những cảm giác hậu SEA Games.
KHẮT KHE HAY KHÔNG?
PV: Chào Phú! NHM rất muốn được nghe những người trong cuộc nói về hành trình của U23 Việt Nam ở Indonesia, về những nguyên nhân thất bại, thậm chí trả lời thẳng thắn về những nghi vấn xung quanh chuyện có hay không việc bán độ?
- Trương Huỳnh Phú: Tôi xin khẳng định ngay là không có chuyện bán độ. Ai đó bán độ hay không, anh em trong đội cũng phải có cảm nhận hay nghi ngờ gì đó. Đằng này thì toàn đội đều cố gắng thi đấu. Bản thân tôi rất mong muốn được tặng chiếc huy chương đồng làm quà cho ba tôi đang bị bệnh nặng mà có được đâu. Toàn thể anh em lăn xả thi đấu nhưng thua thì phải chịu thôi. Tôi biết là NHM buồn nhưng bây giờ cũng chẳng biết nói sao. Chỉ biết gửi lời xin lỗi tới tất cả...
Xin được ngắt lời Phú, nếu không bán độ thì tại sao trận gặp Lào, chúng ta lại chơi tệ thế?
- Trận gặp Lào, chúng tôi không ngủ trưa, vừa ăn xong là lên xe ra sân lúc 13h20. Tôi không hiểu lắm, nhưng có lẽ như người ta vẫn nói là sai nhịp sinh học sẽ dẫn đến cơ thể nặng nề. Mà tại sao người ta cứ nói đến chuyện bán độ vậy nhỉ? Chúng tôi đâu có thiếu tiền. Nếu theo những lời hứa thưởng trước khi vào SEA Games là hơn 20 tỷ đồng rồi, nếu chúng tôi vô địch lại có thưởng thêm, như thế thì mỗi người sẽ nhận một số tiền cực lớn.
Tôi biết là khán giả, dư luận, báo chí kỳ vọng rất nhiều. Nhưng sẽ là không tốt nếu cứ thua trận là quay sang nghi ngờ bán độ. Đội thi đấu không tốt thì chúng tôi cũng rất buồn. Nhưng còn buồn hơn khi ngay lúc giải đang diễn ra, trước trận đánh quan trọng nhất ở bán kết gặp Indonesia, lúc cần động viên nhất thì người ta lại đặt vấn đề nghi ngờ.
Có lẽ Phú cũng nên hiểu người xem nghi ngờ bởi những tiền lệ không tốt trong quá khứ...
- Chuyện nào ra chuyện đó. Chuyện trước kia làm sao gán cho chúng tôi được. Tôi nghĩ rằng toàn đội đã ra sân với nỗ lực hết sức vì màu cờ sắc áo của tổ quốc.
Như vậy là khán giả đã quá khắt khe với đội tuyển chăng?
- Tôi nghĩ đó là sự bất công với những nỗ lực của đội tuyển, HLV và cả những lãnh đạo đi cùng đội bóng.
Nói tới đội tuyển được rồi, tại sao Phú còn nhắc đến HLV và những lãnh đạo đi cùng đội?
- Vì họ cũng sát cánh cùng toàn đội từ lúc tập trung tới hết giải. Khán giả đôi khi đánh giá chủ quan, không hiểu được những gì ở trong lòng đội bóng. Còn những vị lãnh đạo theo sát đội bóng thì chắc chắn họ hiểu tình hình.
Tóm lại nói thẳng là đã có một lượng khán giả không hiểu tình hình, không hiểu bóng đá đúng không?
- Không. Xin đừng suy diễn như vậy. Tôi không bao giờ, cũng không dám nói khán giả không hiểu bóng đá. Nhiều người hiểu biết hơn cầu thủ. Tuy nhiên, xem bóng đá thì người ta có quan điểm riêng. Người thích, người chê, người nghi ngờ...
ÁP LỰC KHÁN GIẢ
Và đó là áp lực lớn dành cho U23 Việt Nam?
- Đúng. Tôi nghĩ rằng áp lực thành tích từ khán giả nhà còn lớn hơn áp lực từ khán giả đối phương.
Nói tới chuyện khán giả, giữa khán giả Indonesia và khán giả Việt Nam, theo Phú ở đâu người ta máu lửa hơn?
- Tôi nghĩ rằng ở Indonesia cuồng nhiệt hơn. Sân Bung Karno rộng như vậy mà chật kín khán giả. Quả thật chưa bao giờ tôi chứng kiến một SVĐ đông như thế.
Ở V.League có những trận đấu chật cứng khán giả đấy chứ?
- Vâng. Trận đông khán giả nhất ở V.League mà tôi từng tham dự đó là trận đấu của Đồng Tâm Long An với Xi măng Hải Phòng. Trận đấy sân Lạch Tray cũng chật kín khán giả.
Phú có ra sân thi đấu trận ấy?
- Không. Lúc đó tôi còn là cầu thủ dự bị ở CLB.
Nhưng giả sử được ra sân thì Phú có cảm thấy khớp hay không?
- Tôi cảm thấy hứng khởi, máu lửa hơn nếu sân đông khán giả. Có thể lúc ở ngoài sân thì có đôi chút hồi hộp, nhưng đã vào sân thì còn nghĩ ngợi gì nữa.
Nhưng có thể có cầu thủ gặp trạng thái khi đứng trước một sân đấu đông kín và hầu như tất cả chỉ ủng hộ đội chủ nhà?
- Tôi nói về bản thân tôi sẽ cảm thấy “sung” hơn khi gặp trận đấu đông khán giả. Có thể một vài người sẽ bị tâm lý, nhưng tôi nghĩ rằng phần lớn cầu thủ đều thích và đá hay hơn nếu sân đông khán giả…
Vì sao Phú chọn bóng đá cho sự nghiệp của mình?
-(Im lặng) Đó là câu hỏi khó bởi tôi thích bóng đá từ nhỏ, lúc còn học lớp 5 nên bây giờ hỏi vì sao lúc đấy chọn bóng đá cũng chẳng biết trả lời thế nào. Tôi nhớ lúc đó đi đá giải nhi đồng cho phường ở Quảng Ngãi, rồi đá giải Milo, được đi Huế, Gia Lai, Đà Nẵng. Lúc đấy được nhiều người xem, cổ vũ nên tôi theo bóng đá luôn đến giờ.
Như vậy đã rõ, khán giả đôi khi là con dao hai lưỡi, có thể làm cầu thủ sung hơn, khiến theo đuổi nghề cầu thủ và cũng có thể làm cho họ cảm thấy rằng bị đối xử bất công?
- Tôi nhắc lại là khán giả có quyền suy nghĩ theo hướng của mình. Chính thế mà khi về nước dù rất buồn khi nghe có chuyện điều tra gì đó, nhưng tôi lại rất mong nó đến sớm. Bởi cứ điều tra sẽ biết liền, chứ cứ để khán giả nghi ngờ chúng tôi thế này còn tinh thần đâu mà về CLB nữa.
Trở lại với SEA Games, theo Phú thì Indonesia có mạnh hơn mình hay không?
- Tôi nghĩ rằng họ cũng không mạnh lắm đâu.
Cá nhân Phú có bao giờ thi đấu với những đội hoàn toàn là cầu thủ ngoại như Indonesia chưa?
- Tôi đã thi đấu rồi. 2 mùa giải ở BTV Cup, Đồng Tâm Long An gặp những đội nước ngoài. Tất nhiên, có sự khác biệt bởi thường thì tôi cũng chỉ phải đối phó với một vài cầu thủ ngoại mạnh, còn khi gặp một đội bóng ngoại nghĩa là toàn bộ là những cầu thủ khoẻ, mạnh, tốc độ và có thể khéo hơn nữa.
Phú có thể nói thế nào về Myanmar?
- Thú thật là tôi và toàn thể đội tuyển cũng quá mệt mỏi vì những nghi ngờ. Từ ngày đội về nước, tôi không dám cầm tờ báo nào để đọc nữa. Những câu hỏi, những sự thiếu chia sẻ làm chúng tôi bị áp lực, phải suy nghĩ nhiều quá. Cho tôi xin khất, và thực sự từ nãy giờ tôi cũng đã trả lời bằng tất cả sự thật rồi.
Cảm ơn Phú về cuộc trao đổi.
Bongdaplus.vn