Chẳng dễ để hình thành một thói quen, chứ nói gì đến tình yêu đối với một cái tên. Ấy vậy mà, tên gọi các đội bóng ở Việt Nam cứ thay đổi xoành xoạch. Thậm chí, rất nhiều thương hiệu lớn đã bị đưa vào bảo tàng trái tim sau làn sóng doanh nghiệp hóa, hoặc giải thể.
Đã có lúc, dư luận tin rằng, việc thay phiên hiệu các đội bóng là xu thế tất yếu của nền bóng đá trong giai đoạn quá độ lên chuyên nghiệp. Để có được sự hậu thuẫn của các doanh nghiệp, chúng ta phải chấp nhận thay đổi để hình thành những thương hiệu mới. Thế nhưng, trong thẳm sâu suy nghĩ, người yêu bóng đá mong mỏi giai đoạn quá độ mau chóng qua đi để các CĐV được chung thủy với tình yêu của mình.
Tiếc rằng, khi bóng đá đã chính thức bước qua cột mốc chuyên nghiệp thì sự ổn định về thương hiệu của nhiều CLB vẫn chưa có. Vẫn tồn tại những cuộc hoán đổi, sáp nhập trong làng bóng đá. Thôi đành chấp nhận thích ứng với sự xoay vần của thời cuộc. Bởi nói cho cùng, khả năng thích ứng cũng chính là một phẩm chất hoàn hảo.
Thế nhưng, đằng sau nỗi buồn vì sự kiện những cái tên bị mai một, những màn rút lui của các ông bầu, nhiều người nhận ra rằng, bóng đá Việt Nam đang tiến hành một “cuộc sàng lọc tự nhiên” rất cần có. Và rằng, sân chơi này không có chỗ cho sự nửa vời cũng như những toan tính thương mại một cách thái quá. Hay nói cách khác, trong cơn biến động, người ta nhận ra đâu là những ông bầu thực tâm với bóng đá, đến với sân chơi này với sự hài hòa giữa trách nhiệm và lợi ích. Nói như bầu Hiển thì giờ là lúc để các ông bầu “hành động” chứ không phải là đưa ra những tuyên ngôn có cánh rồi sau đó nhanh chóng bỏ cuộc chơi vì không đạt được mục đích của mình. Bóng đá không thể chết vì nó có sức lôi cuốn mãnh liệt với xã hội. Và bây giờ là lúc bóng đá chọn cho mình những ông chủ thực sự có tâm, có tầm và có trách nhiệm.
Bongdaplus.vn