
Lẽ thường, ở bất cứ lĩnh vực nào, người ta thường muốn mình trở thành ngôi sao. Là ngôi sao dĩ nhiên sẽ được nhiều người biết tới, đi kèm là những quyền lợi mà không phải ai cũng có, đặc biệt là kiếm được nhiều tiền. Thế nên, đừng ngạc nhiên khi trong làng giải trí, các ca sĩ, người mẫu, diễn viên đã làm đủ mọi cách để nổi tiếng. Thậm chí chấp nhận dính scandal, hay “đu đeo” theo một nhân vật hoặc một sự kiện đình đám nào đó để thỏa giấc mơ… 1 bước thành sao.
Trong khi đó, giới quần đùi áo số thì hơi khác một chút, phần lớn họ mơ thành ngôi sao cũng chỉ đơn giản bởi một chữ: “tiền”. Mà việc trở thành ngôi sao của các cầu thủ Việt Nam cũng đơn giản lắm! Chỉ cần được (hoặc từng) có tên trong tuyển U23 hay ĐTQG là nghiễm nhiên thành ngôi sao trong mắt các ông bầu lẫn những nhà môi giới. Nhờ vậy mà tiền chuyển nhượng hoặc lót tay dành cho các cầu thủ sẽ cao hơn. Còn việc mọi người có biết đến ngôi sao ấy hay không, xem ra chẳng mấy quan trọng. Thế nên đừng quá trông mong, hoặc đòi hỏi nhiều vào chuyện các cầu thủ ý thức được họ là ai, để rồi phải biết gìn giữ hình ảnh cho bản thân lẫn cho cả CLB họ đang khoác áo. Vì vậy mà nhiều ông bầu thường phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì những ngôi sao đã trót mua về với giá rất cao. Nhưng đóng góp về mặt chuyên môn thì ít mà phá hình ảnh lại rất nhiều.
Trong khi đó, những ngoại binh đến từ các nền bóng đá tiên tiến một thời gian từng được BHL các đội bóng trông mong ngoài chuyện chuyên môn, họ sẽ là “tấm gương” cho những nội binh noi theo học hỏi. Tuy nhiên, sau một thời gian ở Việt Nam, một số ngoại binh tên tuổi giờ bỗng biến thành những “ông sao” với rất nhiều chiêu trò, yêu sách khiến các đội bóng phải điên đảo.
Thế nên, người ta mới… truyền khẩu một câu rằng: “Ở ta sao sáng thì ít, sao chổi lại quá nhiều”. Tất nhiên, chẳng phải ngôi sao nào cũng “biến chất” như thế, nhưng đấy vẫn đang là một thực tế buồn của nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó có bóng đá.
Bongdaplus.vn