
Hai trường hợp ngoại lệ hiếm hoi là Riera (Chile) và Gloria (Brazil), họ thành công với Benfica, nhưng đều không thành công sau khi chia tay đội bóng Bồ Đào Nha. Đặc biệt là khi nhắc đến Brazil, nền bóng đá được coi là mạnh nhất thế giới một thời, thì các chiến lược gia của xứ sở Samba lại không mấy thành công với các CLB châu Âu. Những HLV Brazil thất bại gần đây nhất là Luxemburgo (Real), Scolari (Chelsea) và Leonardo (Milan, Inter)… Họ đều được đánh giá cao về tài năng, Scolari thậm chí còn vô địch thế giới cùng ĐT Brazil, đưa ĐT Bồ Đào Nha vào tới chung kết EURO 2004, song cùng không thành công ở cấp CLB.
Năm 2010, sự nghiệp của Oscar Tabarez đi đến đỉnh cao khi ông dẫn dắt ĐT Uruguay vào tới bán kết World Cup 2010, đồng thời được FIFA trao giải HLV xuất sắc nhất năm 2010. Nhưng ít ai nhớ rằng ở giai đoạn nửa sau thập niên 1990, ông từng thất bại thảm hại ở Milan, Real Oviedo và Cagliari. Rộng hơn, Uruguay cũng chưa từng có HLV nào đoạt cúp châu Âu, dù đây cũng là một nền bóng đá đáng nể tại Nam Mỹ.
Phải nói rằng, cả cầu thủ và HLV Argentina đều có khả năng thích ứng rất tốt về nhiều mặt với nền bóng đá châu Âu, từ văn hóa, ngôn ngữ cho tới cách tiếp cận bóng đá. Họ sở hữu sự chuyên nghiệp cao hơn hẳn các đồng nghiệp Brazil. Việc cầu thủ xé rào chơi đêm hay HLV tự ái từ chức ít xảy ra với người Argentina. Hơn nữa, nền bóng đá Argentina có mối quan hệ mật thiết với với Italia, nơi nổi tiếng sản sinh ra nhiều HLV giỏi.
Các HLV Argentina nói chung có tư duy chiến thuật tốt, họ làm việc cẩn trọng và luôn chuẩn bị khá nhiều phương án chiến thuật dự phòng. Tất cả những phẩm chất này giúp những chiến lược gia của xứ Tango trở nên trội hơn so với các đồng nghiệp Nam Mỹ khác.
Một điểm quan trọng nữa, các HLV Argentina được đánh giá cao về cái đầu lạnh, yếu tố quyết định thành-bại trong những trận chiến theo kiểu đấu cúp. Trường hợp thành công mới nhất là Diego Simeone, người vốn nổi tiếng lắm mưu nhiều mẹo ngay khi còn là cầu thủ.
Bongdaplus.vn