
Nhưng trong những mùa giải gần đây, lịch thi đấu của V-League đã được cải tiến rất nhiều theo hướng có lợi cho các đại diện Việt Nam tham dự đấu trường châu lục. Mà nếu lịch có dày đặc đi chăng nữa, thì đâu chỉ có các đội bóng của Việt Nam gặp khó?
Như trường hợp CLB Kelantan (Malaysia), HLV trưởng của họ từng than thở với mật độ thi đấu 2 trận/tuần, có đến 7 cầu thủ bị chấn thương khi đến làm khách trước N.SG. Kelantan cũng không được BTC ưu ái hơn các CLB của Việt Nam về nhân sự. Bởi số lượng cầu thủ được đăng ký thi đấu là cố định trước thời điểm khai mạc. Thế nên, nếu so với N.SG thì họ còn khó hơn nhiều. Vậy mà Kelantan lại thắng đại biểu của V-League ngay tại sân Thống Nhất.
Còn lý do đối thủ quá mạnh thì chỉ đúng… trong quá khứ. Khi AFC Cup chưa phân loại đẳng cấp thì các CLB Việt Nam phải thi đấu chung với các đội hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc nên có thể thông cảm được. Nhưng bây giờ, đối thủ chỉ là những CLB ở khu vực Đông Nam Á hoặc những nền bóng đá kém phát triển. Nhìn một cách xác thực hơn, đối thủ của các CLB Việt Nam ở AFC Cup không mạnh hơn SLNA và N.SG, nếu không muốn nói là còn yếu thế hơn. Vậy mà, các đại diện của Việt Nam vẫn thua một cách… tâm phục khẩu phục.
Nói thế để xin đừng đổ lỗi cho khách quan. Các đội hãy thừa nhận thẳng thắn rằng, thất bại ấy bắt nguồn từ một nguyên nhân hết sức căn bản và chủ quan từ bản thân của đội. Đó là sự thiếu tham vọng, thờ ơ với màu cờ sắc áo, không có trách nhiệm với hình ảnh của bóng đá Việt Nam ở đấu trường châu lục. Chính bởi sự hời hợt ấy mà các đại diện của V-League thi đấu chiếu lệ để sớm “được” rời cuộc chơi và rút cuộc là nhận thất bại ê chề nhưng vẫn cười hả hê.
Bongdaplus.vn