
1.Cho đến hiện tại, Mirko Jozic vẫn là HLV châu Âu đầu tiên và duy nhất đoạt một danh hiệu ở Nam Mỹ khi cùng Colo Colo đăng quang tại Copa Libertadores năm 1991 (tương đương UEFA Champions League). Vì thế, nếu so sánh với Luis Carniglia và Helenio Herrera, từng có 4 lần vô địch Cúp C1, thì có lẽ châu Âu đã… quá phóng khoáng với Nam Mỹ. Nhưng thực chất không phải vậy.
Trong lịch sử, từng có 9 HLV vô địch Copa Libertadores làm việc ở châu Âu, và 4 HLV từng vô địch châu Âu dẫn dắt một CLB Nam Mỹ. Kết quả là không ai giành được cả hai danh hiệu. Điều đó có nghĩa, “hổ nào hãy nhốt vào chuồng đó!”. Lãnh địa của châu Âu không thuộc về các HLV Nam Mỹ, dù họ có tài năng đến đâu, thậm chí có là vô địch thế giới.
2.Năm 1914, trong cuộc thoái trào của nền kinh tế toàn cầu, Helerio Herrera rời quê nhà Buenos Aires (Argentina) sang Casablanca (Morocco), nơi cha ông là công nhân làm việc tại bến cảng. Sau đó, ông đến Pháp, Tây Ban Nha, làm việc với những người Do thái và dần trở thành người châu Âu với nghề làm bạc, lắp ráp đèn pha ở công ty Citroen, sản xuất vật liệu cách nhiệt nồi hơi cho tàu chiến Pháp, nơi công tác đã “cứu” ông thoát khỏi cảnh quân ngũ.
Luis Carniglia bỏ xứ để tìm kiếm vận may ở châu Âu và ông lựa chọn nước Pháp để trú ngụ. Suốt cả sự nghiệp HLV, Carniglia chỉ có vài tháng làm việc ở một CLB Argentina (San Lorenzo). Người Argentina tự hào về ông, nhưng họ gọi ông là: người châu Âu.
Herrera và Carniglia đều nói rằng: nếu không có quãng thời gian dài ở châu Âu, để tự mình trở thành người châu Âu, họ sẽ không bao giờ đi đến tận cùng vinh quang.
Năm 1996, AS Roma bổ nhiệm Carlos Bianchi. AC Milan chỉ định Oscar Tabarez người Uruguay. Trong bản lý lịch của họ đều có danh hiệu Copa Libertadores, nhưng cả hai đều không thể tồn tại ở đội bóng mới cho đến cuối mùa: Bianchi đi vào tháng 4, còn Tabarez mất việc vào tháng 12… Ngày ra đi, Bianchi nói với báo chí trong nước mắt: “Tôi là người nước ngoài và ở đây họ cần nhiều thứ ở một HLV ngoại hơn là với một HLV nội”. Chính Totti thừa nhận: “Ông ấy ghét những người La Mã, trong đó có cả tôi. Ông ấy muốn tôi biến khỏi đội bóng!”. Chẳng ai coi Bianchi là một người Italia…
Khi Luxemburgo bầm dập rời Real Madrid năm 2004, ông phải chua chát phát biểu: “Tôi đến Real với một dự án phát triển dài hơi. Tôi nghĩ rằng người châu Âu tôn trọng và chú ý nhiều hơn cho những dự án như vậy hơn là những chiến quả. Tôi đã nhầm!”. Khi Scolari mất việc ở Chelsea năm 2008, ông cũng nói: “Chelsea là đội bóng quan liêu. Tôi không có quan hệ với cầu thủ, họ cũng chẳng cần biết gì về tôi. Tôi thua vì không có cầu thủ Brazil ở đây!”.
3.Lần đầu tiên kể từ khi Di Stefano đoạt Cúp C2 năm 1980 cùng Valencia, đến nay mới có một HLV Nam Mỹ đoạt danh hiệu tại đấu trường châu Âu. Tuy nhiên, thực chất khi đó Di Stefano đã nhập tịch Tây Ban Nha. Nếu nói Di Stefano là người Tây Ban Nha, thì Diego Simeone là người Nam Mỹ đầu tiên vô địch tại cúp châu Âu kể từ Herrera năm 1965. Hơn nữa, Simeone chỉ được coi là người “chữa cháy” khi được bổ nhiệm giữa mùa giải. Chỉ sau 4 tháng, ông trở thành HLV thứ 3 (sau Dino Zoff và Huub Stevens) đoạt chức vô địch UEFA Cup/Europa League với cả hai cương vị: cầu thủ và HLV. Một kỳ tích tuyệt vời.
Không phải di cư như Herrera, chẳng phải bỏ xứ như Carniglia, nhưng Simeone đã ở châu Âu trong phần lớn sự nghiệp của mình. Ông đến CLB Pisa (Italia) khi mới 20 tuổi. Và nơi Simeone trở thành ngôi sao chính là Atletico, ở đây ông được gọi bằng cái tên Cholo, biệt danh của huyền thoại Carmelo Simeone, cũng là tên của một tộc người thiểu số có huyết thống hòa trộn giữa người bản địa và người Ấn, châu Mỹ (chủ yếu là Nam Mỹ). Khi đó, người Madrid mặc nhiên hiểu rằng, trong Simeone có một nửa Tây Ban Nha…
Simeone là sự khẳng định cuối cùng rằng, để thành công ở châu Âu, hãy là một người châu Âu…
Bongdaplus.vn