
Dù có gần 68 năm tồn tại, nhưng mãi đến những thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, bóng đá Đồng Tháp mới thực sự nổi lên như một “cơn lốc” của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và cả dải đất Nam Bộ. Trong bối cảnh BĐVN có những “tượng đài” như Thể Công, Cảng Sài Gòn, Tổng cục Đường sắt… thì hai chức VĐQG năm 1989 và 1996 của của Đồng Tháp thực sự là một kỳ tích. Đứng sau những thành công của bóng đá xứ Tràm chim có một nhân vật đóng vai trò như một kiến trúc sư, ông nổi tiếng với câu nói để đời: “tiền đạo không bằng tiền mặt”. Ông là Phạm Ngọc Thành (còn gọi là Sáu Thành), nguyên Giám đốc sở TDTT Đồng Tháp.
Gặp “dị nhân”
“Ai dzậy? có chuyện chi hông? muốn gặp Sáu Thành, thì 9h30 đến cà phê cóc, dưới khán đài A sân Cao Lãnh”. Tôi chưa kịp tự giới thiệu, ở đầu dây bên kia, một người đàn ông đã nói một hồi không dứt. Thế là tay xách tay mang, tôi đón xe ôm đến gặp nhân vật mà mình mới chỉ nghe các chú, các anh đồng nghiệp nói qua sách báo.
“Cho 1 ly cà phê đá nghen cưng”, vừa nói xong người đàn ông hơn tuổi lục tuần ngồi bệt xuống hàng ghế bằng xi măng ở góc xa. Bà chủ quán cười xuýt xoa: “chú Sáu hôm nay uống 2 lần cà phê hen”. Nghe thế, tôi ngợ ngợ và tự vấn: “Không biết đấy có phải là ông Sáu Thành, nhân vật mà mình hẹn gặp sáng nay không nhỉ?”.
Kỳ thực, tôi bán tín bán nghi, bởi trước khi đến, tôi đã lục lọi trên Google, nhằm nhận diện chủ nhân của câu nói để đời “tiền đạo không bằng tiền mặt”. Tiếc rằng, công cụ tìm kiếm khổng lồ này lại không có nhiều tư liệu và hình ảnh về nhân vật nổi tiếng của bóng đá Tháp Mười những thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước.

Hơn thế nữa, người đàn ông mà tôi gặp trông chừng không có tướng “làm quan” như tôi đã mường tượng trong đầu. Thì đây, ông mặc một chiếc áo sơ mi màu trắng đã hơi nhàu; diện quần kaki rộng thùng thình, còn dính nguyên cả cỏ may. Càng đáng nghi, bởi nhân vật ấy còn xỏ đôi dép tổ ong đã thấm màu phù sa của xứ bưng biền, phía gót đã xẹp dí, còn phía trước một vài “tổ ong” đã rách lỗ chỗ.
Để chắc ăn, tôi móc điện thoại gọi lần nữa, chuông vừa đổ, người đàn ông ngồi ở góc kia hua hua cánh tay. Hình như, ông biết tôi đã xuất hiện ở đây. Vừa kịp gấp cuốn sổ đưa vào balô, ông đã tiến đến kề bên và nói: “Nhà báo phải không, Sáu Thành đây!”.
Sau một vài lời chào và tự giới thiệu về mình, tôi xin được gọi ông Sáu Thành bằng cái tên thân mật “chú Sáu”. Những câu chuyện dài và cuốn hút giữa chú Sáu và tôi bắt đầu từ đó.
Ông Phạm Ngọc Thành sinh 1951 tại xã Nhị Mỹ, Cao Lãnh, Đồng Tháp. Năm1984 giữ chức trưởng ty Thể thao Đồng Tháp, sau này đổi tên thành SởTDTT Đồng Tháp. Ông giữ cương vị Giám đốc sở TDTT Đồng Tháp cho đến năm1998. Gia đình ông có 2 người con, 1 trai và 1 gái. Con trai ông SáuThành chính là Trọng tài Phạm Quốc Dũng đang tham gia điều hành các giảiđấu của BĐVN.
Chuyện về một ông giám đốc… tay ngang
“Vào một ngày vào tháng 11/1984, đang lúi húi với đống giấy tờ công việc về công tác đoàn thì tui nhận được lệnh của bí thư Nguyễn Thế Hữu điều về Ty thể thao...”. Ông Sáu Thành kể lại việc được tỉnh ủy Đồng Tháp điều ông (lúc bấy giờ đang giữa chức vụ phó bí thư tỉnh đoàn) về giữ chức vụ trưởng Ty thể thao, sau này đổi tên thành Sở TDTT Đồng Tháp.
Ông Sáu Thành đã rất ngạc nhiên vì như ông thừa nhận, mình hoàn toàn không biết gì về bóng banh, hay chuyện quả bóng có mấy múi. “Tui có biết gì bóng banh đâu, chỉ sôi nổi công tác đoàn, chiều chiều ra đánh vài séc bóng bàn, bóng chuyền… cho đổ mồi hôi, rồi về ăn cơm cho ngon chứ chẳng mê gì…”.
Ấy vậy mà không ngờ ông giám đốc “tay ngang” ấy lại là người làm nên những câu chuyện tựa như “cổ tích” cho bóng đá xứ miệt vườn. Công việc đầu tiên, là ông bắt đầu đi tuyển quân. Ông đi về các huyện thị xa xôi để tuyển chọn những cầu thủ trẻ tài năng. Thậm chí, vào thẳng các trường học để xin cho học sinh, sinh viên có năng khiếu đi đá bóng. Trần Công Minh (HLV trưởng của ĐT.LA hiện tại) là một trong số những người đến với bóng đá theo con đường như thế.

Sau khi gom được quân về thị xã Sa Đéc (lúc này là trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị của Đồng Tháp), mỗi đêm ông Sáu Thành đều phải vắt tay lên trán để suy nghĩ làm gì để duy trì đội bóng. Rồi sáng nọ, ông chợt nảy ra ý tưởng “góp gạo nuôi quân”. Được Tỉnh đồng ý, ông Sáu cùng các đồng nghiệp mừng như vớ được vàng.
“Thời đó, không phải ai cũng quan tâm bóng đá, nhưng chúng tôi được hậu thuẫn nên được hỗ trợ khá nhiều. Chúng tôi đi xin hết 11 huyện thị, chỗ nào cũng giúp cho 3 triệu, các ban ngành mỗi nơi đóng 1-3 triệu, có nơi đóng góp gạo, thực phẩm… Cùng với sự hỗ trợ của Tỉnh, đội bóng đã được duy trì, có lộ phí thi đấu đây đó”. Ông Sáu Thành kể.
Sau 2 năm mở đường, năm 1986, đội trẻ Đồng Tháp dưới sự dẫn dắt của 2 HLV Trần Ngọc Chức và Trần Kỳ Phong đã chính thức ra đời. Dù được sự hỗ trợ từ nhân dân, từ tỉnh nhưng các cầu thủ vẫn phải sống trong những căn nhà tạm bợ được dựng tre nứa nền đất. A n uống cũng rất kham khổ, thường xuyên ăn cá linh với bông súng, nhưng nhiệt huyết của thầy và trò thì cứ lên ngùn ngụt.
Năm 1987, Đồng Tháp dự giải A2, rồi VCK giải A2 toàn quốc khu vực phía Nam. Và điều kì diệu đã đến, Đồng Tháp giành vé lên hạng A1 toàn quốc. Năm 1988, Đồng Tháp tham dự giải A1 các tỉnh thành phía Nam (do không tổ chức giải A1 toàn quốc). Ở giải này Đồng Tháp lần lượt vượt qua hàng lọat đối thủ mạnh, trong đó có Cảng Sài Gòn ở bán kết để gặp Hải Quan tại chung kết.
“Trận gặp Cảng Sài Gòn là một trận đấu để đời, chưa bao giờ người dân Đồng Tháp lại cuồng nhiệt đến thế. Từ vùng biên giới, cho đến những huyện thị xa xôi, đoàn người ùn ùn kéo về Sa Đéc để cổ vũ cho đội nhà. Vé bán hết sạch, sức chứa của sân chỉ 10.000 người. Tôi đã phải huy động thợ mộc đóng thêm 1 khán đài nhưng vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu bà con. Bóng chưa lăn nhưng mấy chục ngàn người rồng rắn vây lấy SVĐ. Người leo lên cây, kẻ bắc thang, hoặc làm đủ chiêu trò để được vào sân. Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng “biển người” như thế. Tôi sướng lắm, càng sướng rơn, vì chiều ấy Đồng Tháp vốn được coi là “thấp cổ bé họng” lại quật ngã “tượng đài” Cảng Sài Gòn với tỷ số 2-1 vào chơi chung kết với Hải Quan”. Ông Sáu Thành bồi hồi nhớ lại.
Thành công mà ông Sáu Thành kể chỉ mới là điểm khởi đầu cho câu chuyện cổ tích của bóng đá Đồng Tháp. Trong số ấy là 2 chức VĐQG năm 1989 và 1996. Và kiến trúc sư cho những thành công đó chính là ông Sáu Thành.
Đón đọc kỳ 2: Sáu Thành đi kiện & trận đấu “độc nhất” của BĐVN
Bongdaplus.vn