1. Hôm vừa rồi, bên tách cà phê, một anh bạn hỏi khó tôi: “Theo cậu, nụ cười của HLV Calisto và Falko Goetz có gì khác nhau?”. Và câu hỏi này bỗng đẩy tôi từ thế trận tấn công, sang phòng ngự, trong cuộc “bình loạn” về bóng đá xứ ta.
Đúng là từ trước đến nay, người ta hay để ý đến style (phong cách) huấn luyện, phong cách ăn mặc của mỗi nhà cầm quân, chứ ít ai để ý đến cái nhếch mép, hay nụ cười. Trừ phi những HLV này được các thầy tướng số gieo quẻ bắt hình.
Anh bạn tôi hỏi tiếp: “Cậu thấy có thấy ông Calisto chụp hình quảng cáo cho bia Zorok treo đầy ngoài phố không? Không biết trên những tấm pano, áp phích… kia, có phải người thật, ảnh thật, hay đã qua photoshop, trông nụ cười của ông HLV người Bồ Đào Nha có cái gì đó rất ngạo nghễ”.
Tôi hỏi: “Thế nụ cười của ông Goetz thì thế nào?”. Anh bạn đáp: “Đôi ba lần trên sân tôi thấy ông ấy cười, nhưng ông ấy cười mà rất… lạnh. Nó có cái gì đó na ná như HLV đội tuyển Đức Joachim Loew và giống như các HLV người Đức mà tôi xem tại giải Bundesliga, đây là một cái “lạnh” cần thiết với bóng đá Việt Nam thời hậu Calisto”.
Tôi không biết bạn mình nói đúng hay sai, cũng chẳng biết phản biện về câu chuyện nụ cười này như thế nào, bởi thú thật, bản thân chưa bao giờ có thói quen “coi mặt bắt hình dong”, nhìn nụ cười của người này, người nọ để đoán định một cái gì đó.
2. Nhà tâm lí học Fredrick Koeing (người Mỹ) cho rằng, mỗi người đều có một giọng cười đặc biệt. Do đó nhìn qua cách cười, ta có thể biết khá nhiều về cá tính người ấy.
Với HLV Falko Goetz, rất hiếm khi người ta thấy người đàn ông đến từ nước Đức này nở một cười viên mãn. Và rất ít khi thấy ông bộc lộ tính cách trực diện như người tiền nhiệm Henrique Calisto.
Thời HLV Calisto còn dẫn dắt ĐT Việt Nam, không ít lần người ta chứng kiến cảnh ông nhảy bổ ra sân để đấu tranh nhằm bảo vệ quyền lợi cho đội bóng và các học trò. Thậm chí, một vài hành động của thày “Tô” được coi là thái quá. Chẳng hạn như, chuyện ông từ chối bắt tay người đồng nghiệp Simon McMenemy của ĐT Philippines sau khi ĐT Việt Nam thua đối thủ này 0-2 tại bán kết AFF Suzuki Cup 2010.
Ông Goetz chưa bộc lộ nhiều tính cách. Nói như anh bạn tôi, trên khuôn mặt ông Goetz vẫn mang vẻ lạnh lùng. Dù người ta nói rằng, ẩn bên trong sự lạnh lùng ấy là một người đàn ông rất lịch lãm và thân thiện.
Sự lạnh lùng Falko Goetz (nếu có) chỉ trong công việc. Đó là tính kỉ luật trên sân bóng, hay những nguyên tắc trong chuyện sinh hoạt đời thường như: ăn cơm đúng giờ, cấm tuyệt đối nghe điện thoại trong khi ăn cơm; hay trước và sau giải đấu, đại bản doanh phải kín cổng cao tường… Đấy là một điều “lạ” so với những người tiền nhiệm.
Ông Goetz đang có đủ độ “lạnh” cần thiết và đang cố thay đổi một số thói quen của các học trò, những thói quen mà nhiều tuyển thủ vẫn cho đó là đúng, dù đôi khi nó phản khoa học.
Người ta nói, cầu thủ Việt Nam có thừa những trái tim nóng, nhưng thiếu cái đầu lạnh. Vậy nên, độ “lạnh” của Falko Goetz chính là bổ sung rất cần thiết.
Nguồn: bongdaplus.vn