
LỆCH PHA
Họ có thể xem là những người đồng trang lứa. Nếu Hữu Thắng nổi đình nổi đám ở TP.HCM hồi năm 2000 trong vai trò đội trưởng Quân khu 7, thì Việt Thắng cũng được NHM gửi gắm bao hy vọng sau lần được chọn để đi đào tạo ở Pháp hồi năm 1998.
Dẫu sao, Hữu Thắng vẫn có thể được xem là cầu thủ tiếp cận với đỉnh cao sớm hơn Việt Thắng. Năm 2001, Hữu Thắng đã là trụ cột của tuyển Olympic Việt Nam dưới thời HLV Dido. 2 năm sau, SEA Games tổ chức ở Việt Nam thì Hữu Thắng là đội trưởng U23 Việt Nam giành HCB.
Không may cho Hữu Thắng khi anh chấn thương liên miên trong thời kỳ 2004-2005. Thời gian ấy, người ta ví von Hữu Thắng đi bệnh viện nhiều hơn đi chợ là cực kỳ chính xác, bởi anh bị chấn thương cả hai đầu gối, phải mổ đi mổ lại nhiều lần.
Hiển nhiên, ai cũng hiểu nếu Hữu Thắng không chấn thương thì vị trí tiền vệ trung tâm ở ĐTVN khó thoát khỏi tay anh. Năm 2003, Tài Em chưa có số má trong làng bóng nội, còn Minh Phương thì chỉ là một cầu thủ chạy cánh. Đấy là so với hai tiền vệ trung tâm được xem là nổi bật nhất của Việt Nam trong thập niên vừa qua. Hữu Thắng có thể không chuyền bóng hiểm, chọc khe nhiều như Minh Phương nhưng anh có những pha chuyền dài như đặt vào chân các tiền đạo. Còn ở nhiệm vụ đánh chặn, Hữu Thắng với thể hình cao 1m83 có thể va chạm, tranh chấp ngang ngửa, sòng phẳng với những ngoại binh.
Vướng chấn thương, Hữu Thắng mất rất nhiều. Anh không còn cửa lên ĐTQG đã đành mà ngay ở cấp CLB, nhiều thời điểm Hữu Thắng chỉ được xem là một giải pháp tình thế. Khả năng xoay trở và dư chấn của những lần mổ khiến anh luôn vào sân với dáng chạy tập tễnh.
Việt Thắng (sinh năm 1981) kém Hữu Thắng 1 tuổi. Tuy nhiên, anh vất vả hơn trong việc tìm chỗ đứng ở CA TP.HCM trước kia. Lối chơi của Việt Thắng khá giống Lê Huỳnh Đức và đương nhiên là phải chịu xếp sau đàn anh.
Việt Thắng lên Gia Lai rồi sau đó vướng chuyện hậu trường dẫn đến việc không thể góp mặt ở SEA Games 22 - đấu trường mà Hữu Thắng và các đồng đội thăng hoa trên sân nhà Mỹ Đình.
Việt Thắng không may trong giai đoạn khởi nghiệp, nhưng lại kịp ghi tên vào bảng vàng với chức vô địch Đông Nam Á năm 2008. Đó cũng là tiền đề để Việt Thắng có bản hợp đồng giá khủng với Vissai Ninh Bình hồi năm 2010. Nhưng khi Việt Thắng đến Ninh Bình thì cũng là lúc Hữu Thắng chia tay với đất Cố Đô trong nỗi cay đắng để về lại đất Thủ.
BẮT ĐẦU TỪ ĐIỂM CUỐI
Có điểm rất giống nhau giữa hai cầu thủ này là ở hành trình trước khi đến Becamex Bình Dương. Việt Thắng đi Pleiku, quay lại Long An, ngược ra Ninh Bình và bây giờ là B.BD. Trong khi Hữu Thắng đi Thể Công, về Bình Dương, gia nhập Ninh Bình rồi lại quay về Bình Dương. Họ trải nghiệm rất nhiều, tích lũy rất nhiều và nay đang cùng một chốn dung thân.
Cứ ngỡ số phận gắn với những cầu thủ có những khoảng thăng trầm lệch pha này sẽ không còn đeo đuổi họ sau khi hai người ở cùng chiến tuyến. Thế nhưng, đúng vào cái lúc họ gác lại ý nghĩ làm “lính viễn chinh” để mơ đến một CLB cuối đời sự nghiệp cầu thủ thì lại một lần nữa ông trời trêu ngươi họ.
Hữu Thắng từ đầu mùa tới giờ thăng hoa với việc liên tục được đá chính và trở thành mắt xích không thể thiếu trong đội hình B.BD. Trong khi Việt Thắng vật vã với con đường tìm kiếm một suất để ra sân ở vị trí tiền đạo.
“Cảnh đồng sàng dị mộng” hiển hiện rõ nhất, oái oăm thay lại chính ở một nơi rất quen thuộc với cả hai. Sân Thống Nhất chiều Chủ nhật vừa rồi, Becamex Bình Dương chiến thắng bởi một hệ thống phòng ngự chặt chẽ và ở đó không thể thiếu vai trò của một cựu binh như Hữu Thắng. Còn Việt Thắng vẫn được ra sân nhưng từ băng ghế dự bị và ở cái thế đội nhà đã dẫn bàn trước thì khó thể hiện được nhiều.
Hơn một thập niên lưu lạc để tìm cái kết đẹp, đồng thời cho hai người tên Thắng, cùng trưởng thành từ lò bóng đá trẻ TP.HCM xem ra vẫn rất khó. Chí ít là cho đến lúc này!
Bongdaplus.vn