
ÂM THẦM CỐNG HIẾN
Mới đây, tôi gặp bác sĩ Đồng Xuân Lâm ở Pleiku, anh em tay bắt mặt mừng vì đã khá lâu mới có dịp hội ngộ. Những ngày chập chững làm báo thể thao, từ năm 1996, tôi đã gặp anh Lâm với vai trò bác sĩ của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Đến nay anh đã thuộc dạng “lão tướng” trong làng bác sĩ thể thao, đặc biệt là bóng đá Việt Nam. Tôi ấn tượng với bác sĩ Lâm (khi ấy còn rất trẻ) bởi sự nhiệt thành trong công việc. Những ngày ấy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong y học thể thao của chúng ta hầu như vẫn là con số 0, nên anh Lâm phải tự mày mò tìm hiểu qua sách vở mua được từ những chuyến theo đội tuyển đi tập huấn, cùng những kinh nghiệm học lỏm từ đồng nghiệp nước ngoài, bởi internet lúc ấy vẫn còn rất xa xỉ ở Việt Nam. Thế nhưng anh và các đồng nghiệp vẫn hoàn thành rất tốt công việc của mình.
Có lẽ cũng ấn tượng về bác sĩ Đồng Xuân Lâm, nên bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai đã mời anh về chăm sóc cho đội bóng của ông từ những ngày mới thành lập. Đến nay, bác sĩ Đồng Xuân Lâm là một phần không thể thiếu của HA.GL. Và giống như các cầu thủ, những bác sĩ đi theo CLB cũng luôn trong tình cảnh xa gia đình quanh năm, việc nhà gần như khoán hết cho vợ, Đồng Xuân Lâm cũng thế. Anh tâm sự: “Gia đình mình trong cảnh chồng Nam vợ Bắc hơn chục năm nay, mỗi năm đoàn tụ vài lần và lần nào cũng vội. Đôi lúc cũng buồn, nhưng vì cuộc sống và tương lai gia đình phải chấp nhận thôi. Riết rồi cũng quen”.

Không chỉ bác sĩ Xuân Lâm, đồng nghiệp của anh là Nguyễn Trọng Hiền, người có thâm niên “ăn cơm tuyển” từ những năm 1995 thời HLV Weigang là một trong những bác sĩ đã trải qua gần như tất cả “triều đại” HLV ngoại của ĐT Việt Nam cũng rơi vào cảnh phó mặc việc nhà cho vợ. Chỉ khác là anh Hiền hầu như chỉ làm việc cho đội tuyển.
SỰ GHI NHẬN TỪ NHỮNG NGÔI SAO
Một ngày, công việc của các bác sĩ từ cấp CLB cho đến đội tuyển đều khá giống nhau. Tức trước khi bước vào buổi tập, họ phải lo chuẩn bị các loại thuốc, dụng cụ và xoa bóp phục hồi cho một số cầu thủ đang hồi phục hoặc chấn thương. Buổi tối, sau một ngày tập luyện, phòng làm việc của các bác sĩ luôn tấp nập bắt đầu từ 20 giờ và kết thúc lúc hơn 23 giờ. Trong quãng thời gian ấy, họ cũng chỉ có thể xoa bóp, chữa trị cho khoảng tối đa 10 người. Nghe có vẻ ít, nhưng nếu thời gian chữa trị cho mỗi cầu thủ là 45 phút thì có thể thấy các bác sĩ đã phải làm việc toát mồ hôi hột. Cuối tuần, sau mỗi vòng đấu là công việc của các bác sĩ ở những CLB càng vất vả hơn khi số lượng “thương binh” tăng lên vì chấn thương.
Ngoài việc chăm sóc sức khỏe, bác sĩ có lẽ là người gần gũi và chia sẻ với cầu thủ nhiều nhất trong đội bóng. Đặc biệt, những vấn đề thầm kín của cánh đàn ông thì chẳng ai tư vấn tốt hơn bác sĩ. Bởi thế, các cầu thủ đã dành cho các bác sĩ của họ một câu slogan rất quen thuộc nhại lại từ một quảng cáo: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.
“Đời cầu thủ bọn em hầu như gắn liền với các bác sĩ. Sự thành công của một CLB hoặc đội tuyển bóng đá, ngoài HLV và cầu thủ, còn có sự góp công rất lớn của đội ngũ bác sĩ. Bọn em luôn mang ơn các anh ấy, nhất là một cầu thủ từng trải qua chấn thương nặng như em thì càng thấm thía về sự quan trọng của các bác sĩ thể thao”, đấy chính là lời thổ lộ của tiền đạo Lê Công Vinh về các bác sĩ ở đội bóng. Và đấy có lẽ cũng thay lời tri ân và chúc mừng của giới thể thao đến đội ngũ y, bác sĩ nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Bongdaplus.vn