Khi mà câu chuyện dài kỳ nhất trong lịch sử chuyển nhượng đã khép lại, Cesc Fabregas hoàn thành giấc mơ thời thơ ấu là được mặc chiếc áo đỏ-xanh của Barca, thì người anh hàm ơn nhất không phải là HLV Pep Guardiola, cũng chẳng phải những người lãnh đạo đội bóng xứ Catalonia, mà là các nhà đầu tư giàu có đến từ Qatar.
Điều khác biệt trong ngày ra mắt chính thức của Fabregas tại sân Nou Camp so với những đàn anh như Thierry Henry hay David Villa chỉ là một dòng chữ nhỏ màu vàng nơi ngực áo. Vậy mà nếu không có nó, vụ chuyển nhượng trị giá gần 40 triệu euro của Fabregas còn lâu mới thành hiện thực.
Chàng tân binh của Barca, cùng chiếc áo đấu mới, đáng lẽ đã có trận trình làng tại La Liga hôm cuối tuần. Rất tình cờ khi đối thủ “mở hàng” của họ là Malaga, đội bóng từ năm ngoái cũng đã thuộc quyền sở hữu của Sheikh Abdullah Al-Thani (một tỷ phú người Qatar). Thế nhưng, một cuộc đình công do Hiệp hội cầu thủ bóng đá Tây Ban Nha phát động đã khiến vòng khai mạc La Liga bị hoãn lại. Sự cố này làm ảnh hưởng lớn đến các đối tác quan trọng của BTC giải, trong đó có Al-Jazeera, kênh truyền hình trụ sở tại Qatar nắm quyền phát sóng La Liga tại khu vực Trung Đông.
Cesc Fabregas trong chiếc áo quảng cáo cho Qatar Foundation
May mắn là Al-Jazeera kịp thời có một giải pháp thay thế thú vị bằng cách truyền hình trực tiếp trận đấu giữa Paris Saint-Germain gặp Valenciennes thuộc giải Ligue 1 của Pháp. Sức hấp dẫn của PSG đã tăng lên đáng kể sau khi họ thực hiện bản hợp đồng trị giá 37,6 triệu bảng mua Javier Pastore từ Palermo. Hồi tháng 6, PSG đã bán 70% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ… Qatar.
Nếu không có túi tiền của những tỷ phú giàu mỏ tại vùng Vịnh, thị trường chuyển nhượng cầu thủ mùa Hè năm nay hẳn đã rất ảm đạm. Trong những bản hợp đồng đắt giá nhất, Man City với hậu thuẫn từ tập đoàn Abu Dhabi United đã trả 39,5 triệu bảng để mang về chân sút Sergio Aguero từ Atletico Madrid. Tiếp theo chính là vụ Pastore và thấp hơn một chút là Fabregas.
Trong trường hợp của Fabregas, Barca đã phải mặc cả từng đồng với Arsenal do họ đang trong tình cảnh “thắt lưng buộc bụng” vì những khoản nợ, dẫu cho đang là nhà vô địch châu Âu. Khi Sandro Rosell đắc cử Chủ tịch của Barca cách đây 12 tháng, ông đã thốt lên rằng quá ngỡ ngàng khi phát hiện CLB đang ngập trong những khoản nợ khổng lồ. Thời điểm đó, vụ chuyển nhượng Fabregas gần như bất khả thi với Barca.
Tới tháng 12, Rosell đưa ra một quyết định táo bạo đi ngược lại truyền thống của Barca. Kể từ mùa giải 2011/2012, áo đấu Barca lần đầu tiên trong lịch sử bán quảng cáo cho một tổ chức là Qatar Foundation. Rosell bị chỉ trích là đã bôi nhọ niềm tự hào của đội bóng để đổi lấy 144 triệu bảng trong vòng 5 năm. Nhưng Giám đốc marketing Laurent Colette của Barca giải thích rằng: “Nếu không có bản hợp đồng với Qatar Foundation, CLB đã phải bán cả Lionel Messi”. Và chính khoản tài trợ từ Qatar đã được Barca sử dụng để đem Fabregas về sân Nou Camp.
PSG thoải mái tiêu tiền sau khi bán cổ phần cho các nhà đầu tư Qatar
Thông qua "môn thể thao Vua", Qatar đã đánh bóng tên tuổi của mình trên trường quốc tế. Quốc gia nhỏ bé vốn nổi tiếng bởi nguồn tài nguyên “vàng đen” khổng lồ giờ còn được nhắc đến như là nước chủ nhà của một kỳ World Cup trong tương lai, điều mà họ không thể trông đợi nếu chỉ dựa vào nền bóng đá nước nhà.
Những tỷ phú tại Qatar giờ đua nhau thể hiện sự giàu có và quyền lực thông qua sân chơi bóng đá. Sheikh Al-Thani, chủ sở hữu của Malaga, khẳng định hùng hồn trên tờ Al-Sharq của Qatar rằng rất nhiều siêu sao sẵn sàng từ bỏ cơ hội tham dự Champions League để về đầu quân cho đội bóng của ông. Al-Thani tuyên bố: “Chẳng có gì phải lo lắng nếu tôi chi 60 triệu euro để mua 10 cầu thủ. Nếu cần, tôi có thể mua 1 cầu thủ với giá 60 triệu euro. Nhiều cầu thủ đẳng cấp đã bày tỏ một sự quan tâm đối với đội bóng này, như Raul, Wesley Sneijder hay Samuel Eto’o thời gian qua”.
Chưa ai trong số những cái tên kể trên gia nhập sân Costa del Sol, nhưng một số cầu thủ giỏi đã chấp thuận đầu quân cho Malaga mùa Hè này. Có thể kể ra đây cựu tiền đạo Man Utd là Ruud van Nistelrooy, tuyển thủ quốc gia Pháp Jeremy Toulalan đến từ Olympique Lyon với giá 9 triệu bảng hay tuyển thủ Tây Ban Nha Santi Cazorla từ Villarreal có giá 17,5 triệu bảng.
Malaga "đổi đời" khi được chuyển giao cho tỷ phú Al-Thani
Tại Pháp, PSG cũng đang “đốt cháy” thị trường chuyển nhượng. Trước Pastore, nhiều cầu thủ ưu tú đã từ chối các CLB lớn tại châu Âu để chuyển đến sân Công viên các Hoàng tử. Chân sút Kevin Gameiro tưởng như đã chắc chắn đến Valencia nhưng phút cuối lại chọn thành Paris. Tiền vệ Blaise Matuidi cũng khước từ Liverpool để ký vào bản hợp đồng trị giá 9 triệu bảng với PSG.
Tuy nhiên, số tiền 70 triệu bảng PSG ném vào chợ chuyển nhượng vẫn chưa phát huy hiệu quả ngay lập tức. Qua 3 vòng đầu tại Ligue 1 mùa này, PSG chỉ mới kiếm được 4 điểm. HLV trưởng Antoine Kombouare hiểu rằng sự kỳ vọng của những nhà đầu tư Qatar là rất lớn. Giám đốc thể thao Leonardo của PSG đã rục rịch liên hệ với cựu HLV của Chelsea là Carlo Ancelotti nhằm thay thế Kombouare nếu cần thiết.
Không phải ông chủ Ả Rập nào cũng sẵn sàng móc hầu bao một cách vô điều kiện. Tại Madrid, đội bóng Getafe được chuyển giao cho tập đoàn Royal Emirates trụ sở tại Dubai kể từ tháng trước. Cho đến giờ, họ vẫn chi tiêu một cách hạn chế, mới chỉ mang về tiền đạo Daniel Guiza từ Fenerbahce. Có vẻ họ cần thời gian đánh giá tình hình trước khi quyết định đầu tư mạnh tay.
Dù vậy, dấu ấn đầu tiên mà các nhà đầu tư thực hiện tại Getafe lại khiến tất cả phải ngỡ ngàng. Trong chiến dịch quảng cáo bán vé của CLB, một đoạn phim với cốt truyện kể về một người hâm mộ đi đến ngân hàng tinh trùng, kèm theo những cảnh “nóng bỏng mắt” hết sức táo bạo. Thông điệp của Getafe rất rõ ràng: họ mong muốn tăng lượng CĐV tiềm năng trong tương lai.