1. Chuyện những người Bayern lời qua tiếng lại chẳng có gì là lạ. Ma cũ chửi ma mới, người đi mắng người ở, chủ tịch chỉ trích cầu thủ, cầu thủ càm ràm về HLV, không lúc nào họ “đóng cửa bảo nhau” được, luôn ồn ào như cái sân khấu kịch nói. Thế nên mới sinh ra biệt danh “FC Hollywood” nổi tiếng.
Nhưng thỉnh thoảng, những cuộc cãi vã của họ cũng để lại nhiều điều đáng ngẫm. Ví dụ như cuộc tranh luận của Oliver Kahn, người đội trưởng huyền thoại với hai thủ lĩnh đương thời Phillipp Lahm và Bastian Schweinsteiger tuần qua.
Oliver Kahn bảo rằng Schweini và Lahm đang không làm tốt vai trò của những thủ lĩnh ở Bayern, không phải là mẫu “chọc ngón tay vào vết thương để moi ra những sự thật khó chịu”, mà chỉ quan tâm đến thành tích cá nhân. Schweini cãi lại rằng ngày xưa Kahn rất ghét những cựu binh gièm pha về đội bóng, bây giờ lại làm trò ấy. Lahm thì nói bóng gió rằng ai cũng biết Kahn là người thích gây sự, chẳng dây vào làm gì.
Cãi nhau qua lại mấy ngày, thiên thần tóc vàng Guenter Netzer xuất hiện dàn hòa, nói đại ý: vai trò người thủ lĩnh trong bóng đá hiện đại đã trở nên rất mờ nhạt rồi.
Thế là từ cuộc cãi nhau trên sân khấu của FC Hollywood, đã xuất hiện một vấn đề to tát của bóng đá hiện đại.
2. Điểm lại một vòng những CLB lớn ở châu Âu, số các đội bóng còn một thủ lĩnh tinh thần đích thực đếm trên đầu ngón tay. Man United không có. Barca không. Bayern không. Arsenal không. Real Madrid càng không. May ra chỉ còn vài hình mẫu như John Terry ở Chelsea, Totti ở Roma hay Zanetti ở Inter Milan.
Nhưng nhìn vào những hình mẫu thủ lĩnh hiếm hoi còn lại ấy, lại nhận ra rằng việc một CLB được neo dắt tinh thần bởi một cá nhân cũng có nhiều mặt trái. Ngẫu nhiên, vụ lùm xùm của Roma bây giờ như là một câu trả lời cho Kahn. Ở đó, Totti đang trở thành một kẻ công thần tham quyền cố vị. Anh chống đối tân HLV Enrique bằng những cử chỉ công khai. Từ việc bỏ tập, cho đến cái áo có in dòng chữ “Basta” (Đủ rồi!).
Người ta nhớ lại rằng Claudio Ranieri vì dám để Totti dự bị mà phải cuốn gói. Cũng chính ông này, ở Juve dám để Del Piero dự bị rồi cũng cúi đầu mà đi. John Terry thì đạo diễn “thế lực đen” tống cổ Scolari ra đường. Raul Gonzalez cũng được cho là người đã ký nháy vào quyết định sa thải Del Bosque ở thời cực thịnh của Real.
Thủ lĩnh là như thế. Họ có thể dùng tầm ảnh hưởng để tạo ra những điều phi thường trên sân, nhưng cũng có khi, với cảm tính yêu-ghét của một con người, nắn CLB theo sự chủ quan của mình.
3. Hai câu chuyện về “thủ lĩnh” xuất hiện cùng thời điểm, kể lại không nhằm mục đích phân định rõ ràng ràng bóng đá hiện đại có còn cần những thủ lĩnh hay không, Bayern có cần không, mà để nói rằng: vấn đề nào cũng có hai mặt.
Ngay cả Oliver Kahn ở đỉnh cao quyền lực cũng mang tiếng giữ rịt cái khung thành Bayern dù phong độ đã xuống dốc, khiến CLB không ít lần phải trả giá.
Cũng có CLB vì không có thủ lĩnh mà đi xuống, như Arsenal. Cũng có CLB không cần thủ lĩnh vẫn đi lên, như Barca. Có CLB như M.U, thủ lĩnh tinh thần không đá bóng trên sân mà mặc vest ngồi ngoài. Chính bóng đá Đức, vốn xưa nay luôn tôn thờ hình mẫu “cá nhân đầu tàu”, giờ cũng có thành công mà không cần thủ lĩnh, với ví dụ là đội tuyển của họ.
Cái Bayern Munich cần, có thể là một thủ lĩnh, hoặc đơn giản hơn, họ cần thêm những lần tự chất vấn xem mình còn thiếu thứ gì như thế này. Đó đã là điều hiếm hoi.