Chờ một "Vua phá lưới"... xịn
* Tổng hợp tin chuyển nhượng ngày 9/6
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
Khi World Cup 2014 còn 2 ngày nữa sẽ khởi tranh, đã có một lượng tiền rất lớn đặt vào cửa Lionel Messi giành Chiếc giày vàng. Cá biệt trên trang Sportingbet, cứ 3 người tham gia đặt cược chọn Chiếc giày vàng thì lại có 1 người chọn Messi. Các biểu giá cá cược đều đặt Messi lên vị trí cao nhất cho danh hiệu này bất chấp anh vừa trải qua một mùa giải “giảm năng suất” tại Barcelona. Vì sao vậy?
Bạn sẽ có gợi ý cho câu trả lời nếu nhìn rộng ra Top 10. Ngoài Messi, còn có 2 chân sút khác của Argentina trong danh sách những ứng viên tiềm năng để giành danh hiệu là Kun Aguero và Gonzalo Higuain. Phải chăng Argentina sở hữu hàng công khủng khiếp đến thế, nơi mỗi chân sút của họ đều tràn đầy hy vọng giành giải? Câu trả lời lại chỉ có nếu bạn nhìn vào bảng đấu của họ. Ở đó có Iran, có lẽ là một trong những đội bóng yếu nhất World Cup và Nigeria, đội bóng châu Phi luôn chơi rất mở và có hàng phòng ngự được đánh giá là kém nhất World Cup.
Nghĩa là ngay từ trước khi bóng lăn, người ta đã mường tượng ra một kịch bản nhàm chán cho cuộc đua vốn rất được kỳ vọng này: Argentian sẽ đè bẹp 2 đối thủ nói trên và các chân sút của họ sẽ tranh thủ “kiếm thành tích” trước khi bước vào vòng knock-out.
Nếu điều đó xảy ra thì tất nhiên là thật đáng buồn. Bởi bản thân từ “Vua phá lưới” gợi cho chúng ta về một hình ảnh thật oai hùng, về một nhân vật xuất chúng có thể tìm đường đến mọi mành lưới, phá tan mọi bức tường phòng ngự. Vua phá lưới mà chỉ ghi bàn ở vòng bảng, chỉ sút tung lưới đội bóng yếu thì sao xứng đáng là “Vua”!
Cách danh hiệu Vua phá lưới (Mueller), Quả bóng vàng (Forlan) và thủ môn xuất sắc nhất (Casillas) tại World Cup 2010
Nhưng bóng đá hiện đại quả là ngày càng khan hiếm những vị vua như thế, những người như Ronaldo “béo”, Mario Kempes, Just Fontaine, Gerd Mueller, Leonidas... khi những bàn thắng của họ dẫn đường cho đội nhà tìm đến vinh quang. Confeds Cup 1 năm trước, Vua phá lưới là Fernando Torres, một cầu thủ... dự bị. EURO 2012, lại là Torres cùng giành danh hiệu với... 5 ông vua khác và cả 6 người cũng đều ghi được có 3 bàn. Quá... chán.
World Cup 2010, FIFA còn nghĩ ra hiệu số phụ để phân định “Chiếc giày vàng”. Kết quả là Thomas Mueller giành giải vì có nhiều pha kiến tạo hơn. Sở dĩ có nhiều tiêu chí để phân định như thế là bởi các cầu thủ ngày càng ghi ít bàn hơn. 2 kỳ World Cup gần nhất, Vua phá lưới đều là những người Đức và họ đều chỉ ghi được 5 bàn. Và như mọi người đã biết, Đức đều không vào đến trận đấu cuối cùng của giải đấu ấy.
Sự tiến hóa về chiến thuật đã làm mờ nhòe dần vai trò của những tiền đạo. Họ phải giữ nhiều vai trò hơn là ghi bàn. Trong lịch sử, duy nhất một lần “Chiếc giày vàng châu Âu” giành luôn “Chiếc giày vàng World Cup”. Đấy là Gerd Mueller của World Cup 1970. Điều đó cũng không lạ bởi chân sút giành “Chiếc giày vàng châu Âu” lẫn “Quả bóng vàng” đều luôn là ưu tiên chăm sóc hàng đầu của các hàng phòng ngự đối phương. Vì thế nên mới có cái gọi là “lời nguyền” hay “cái dớp”: tức là đã được vinh danh cá nhân trong năm nào thì khó mà thi đấu thành công trong năm đó.
Nhưng phải vượt qua những rào cản ấy thì chữ “Vua” mới có giá trị. “Oanh tạc cơ” Mueller và “Người ngoài hành tinh” Ronaldo bị cả thế giới kèm cặp, chơi xấu, nhưng họ vẫn phá toang mành lưới đối thủ. World Cup 2014 hy vọng sẽ đón một vị vua đích thực, chứ không còn là vua... vòng bảng hay vua ăn hiếp kẻ yếu như trước.