Chiến thuật tại World Cup: Thận trọng là xu hướng chung
Cũng đừng nghĩ anh đã hết thời hoặc không có phong độ tốt trong thời gian gần đây. Ngược lại là khác, Ronaldinho chính là cầu thủ số 1 ở Brazil và Nam Mỹ trong năm 2013. Và xin lưu ý, có đến 7 cầu thủ trong danh sách sơ bộ của đội Brazil là những người đang chơi bóng tại quê nhà.
Chắc chắn HLV Felipe Scolari loại bỏ Ronaldinho, Kaka, Philippe Coutinho không phải vì vấn đề phong độ. Cũng vậy, Carlos Tevez hoặc Samir Nasri đều có phong độ tuyệt vời dưới màu áo Juventus hoặc Man City, góp công giúp CLB của họ đoạt chức VĐQG. Nhưng họ đều không được gọi vào danh sách ĐT Argentina hoặc Pháp.
Chẳng có gì lạ khi người ta chỉ trích hoặc tranh cãi xung quanh quyết định dùng người của các HLV như Scolari, Alejandro Sabella hoặc Didier Deschamps. Ở một khía cạnh nào đó, có thể cho rằng họ đã mạo hiểm khi loại bỏ những tên tuổi lớn (ít ra là lớn hơn khối cầu thủ được chọn).
Đội hình ĐT Brazil tham dự World Cup 2014
Kỳ thực, đấy lại là những quyết định rất ư thận trọng. Không phải tất cả (ví dụ, HLV Cesare Prandelli của ĐT Italia không làm như vậy), nhưng có thể thấy xu hướng chung của giới cầm quân tại World Cup 2014 là rất thận trọng. Xu hướng này lộ rõ ngay từ khâu tuyển chọn danh sách.
Khi phát huy tài năng một cách rực rỡ, Ronaldinho có thể tự mình đem về chiến thắng cho toàn đội. Nhưng khi thất bại, bất kể vì nguyên nhân gì, anh cũng sẽ trở thành đầu mối dẫn đến thất bại chung của toàn đội.
Thế nên, HLV Scolari đã chọn giải pháp an toàn, đã loại trừ khả năng thất bại trước khi mạo hiểm để có thành công, qua trường hợp bỏ các ngôi sao như Ronaldinho hoặc Kaka. Đặc điểm của Tevez và Nasri đều tương đồng với Ronaldinho. Và Sabella, Deschamps cũng đã quyết định theo chiều hướng an toàn như đồng nghiệp Scolari của họ.
Gọi Tevez, Nasri, Ronaldinho vào đội thì phải dùng họ, chưa kể cả một hệ thống đấu pháp, chiến thuật chung, cũng phải được xây dựng xung quanh họ. Thứ nhất, không dễ chuyển sang “kế hoạch B” khi các ngôi sao như thế bị vô hiệu hóa (Ronaldinho tại World Cup 2006 là ví dụ quá rõ). Thứ hai, những ngôi sao ấy mà phải ngồi ngoài thì tranh cãi nội bộ, thậm chí scandal, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Thiên hạ cứ việc tranh cãi, chỉ trích. Nhưng các HLV như Scolari, Sabella hoặc Deschamps đã quá khôn khéo khi đặt sự tranh cãi, chỉ trích ấy ra ngoài, thay vì đặt nguy cơ tranh cãi vào trong nội bộ đội tuyển.