Hướng tới World Cup 2014: Bảo bối phòng thân chẳng ai muốn có
THẢM HỌA LUÔN CHỰC CHỜ XẢY RA
Người Pháp chắc là chưa quên “nỗi ám ảnh Zidane”. Từ thế thượng phong, đội Pháp suy sụp tinh thần khi ngôi sao số 1 của họ bị đuổi trong trận chung kết World Cup 2006. Bước vào loạt sút luân lưu 11m, Pháp đã thua Italia - đội trước đó chưa bao giờ thắng trên chấm 11m luân lưu ở đấu trường World Cup.
Đấy không phải là lần đầu tiên “Les Bleus” thất bại vì quá phụ thuộc vào trụ cột Zinedine Zidane. Không chuẩn bị được “kế hoạch B”, Pháp cũng đã thua tan nát tại World Cup 2002, trở thành nhà ĐKVĐ World Cup tồi tệ nhất lịch sử, trong hoàn cảnh Zidane chấn thương ngay trước giải.
Trước đó, Zidane tỏa sáng trong trận chung kết và Pháp lên ngôi vô địch World Cup 1998. Nhưng trận chung kết ấy còn được nhớ đến bởi một câu chuyện kỳ lạ bên phía Brazil. Ronaldo bị bệnh (rút cuộc, chẳng ai biết Ronaldo... bị gì). Brazil bỏ Ronaldo, sau đó vội vã điều chỉnh danh sách thi đấu, lại đưa anh vào đội hình chính, và thua đậm 0-3. HLV Mario Zagallo sau này thú nhận: ông không đủ can đảm để đưa ra một đội hình thiếu Ronaldo trong trận chung kết World Cup. Nói cách khác, ông hoàn toàn không có kế hoạch cho hoàn cảnh Ronaldo ngồi ngoài.
Tóm lại, nhà cầm quân trở tay không kịp khi tình huống xấu nhất xảy ra trong những câu chuyện vừa nêu. Mùa bóng 2013/14 đang ở vào giai đoạn khốc liệt nhất. Đã vậy, lại còn cơ man những trận giao hữu ngay trước World Cup, chưa kể nội bộ từng đội còn phải cạnh tranh quyết liệt trên sân tập để các cầu thủ tranh suất đi Brazil. Bóng ma chấn thương đang rình rập mọi ngôi sao.
Giả sử Luis Suarez, Cristiano Ronaldo, Lionel Messi hoặc Franck Ribery bất ngờ chấn thương ngay trước World Cup, hoặc ngay trong những trận đấu căng thẳng ở World Cup, đấy sẽ là thảm họa đối với các đội tuyển Uruguay, Bồ Đào Nha, Argentina hoặc Pháp.
“KẾ HOẠCH B” KHÔNG BAO GIỜ THỪA
Đành rằng không thể loại bỏ nguy cơ chấn thương, nhưng giới cầm quân phải chuẩn bị sẵn “kế hoạch B” không chỉ để dự phòng tình huống ngôi sao số 1 trong đội bị chấn thương.
Ở đẳng cấp cao, khi các nhà cầm quân lỗi lạc đã nghiên cứu kỹ về nhau, có trong tay cả lực lượng hùng hậu lẫn các công cụ hỗ trợ tuyệt vời, thì việc vô hiệu hóa các siêu sao hàng đầu thế giới không đến nỗi quá khó. Đấy cũng là lý do quan trọng để HLV của Suarez, Ronaldo, Messi, Ribery... phải tính đến kế hoạch dự phòng.
Chức vô địch World Cup 1986 của Argentina là bài học hay. Một mình Maradona thể hiện tài nghệ cá nhân tuyệt đỉnh, ghi cả 4 bàn vào lưới Anh và Bỉ để giúp Argentina vượt các rào cản tứ kết, bán kết. Làm sao để ngăn cả Maradona ghi bàn? Phải đánh chặn hay bủa vây để bẻ gãy những pha đi bóng không thể chống đỡ của thiên tài bóng đá?
Đội tuyển Đức của Franz Beckenbauer tính đến nát nước, rút cuộc chỉ để ngỡ ngàng khi Maradona lùi về rất sâu, không hề trực tiếp đe dọa khung thành Đức trong trận chung kết. Nhưng trong vai trò kiến thiết của một Maradona chỉ chơi quanh quẩn giữa sân, những đường chuyền xuất thần của anh vẫn trở thành yếu tố quan trọng nhất giúp Argentina thắng Đức và lên ngôi vô địch. Đấy là “kế hoạch B” tuyệt vời của HLV Carlos Bilardo.
Không thể sử dụng trụ cột là tình huống bị động. Thay đổi vai trò hoặc “cất” hẳn trụ cột là cách làm chủ động. Còn tùy tình huống, nhưng đội bóng có tham vọng vô địch World Cup phải là đội có khả năng... không dùng siêu sao trong hoàn cảnh bất lợi.
WORLD CUP KHÁC HẲN CÁC GIẢI VĐQG
Ở đấu trường CLB, chẳng có siêu sao nào luôn ra sân thi đấu mãi. Hồi đầu mùa, Liverpool vẫn thắng như chẻ tre ở Premier League trong hoàn cảnh Suarez bị treo giò. Không có Ronaldo, Real Madrid vẫn thắng Barcelona trong trận chung kết Cúp Nhà Vua 2014, nhờ sự tỏa sáng của Gareth Bale. Đấy chỉ là vài ví dụ. Nhưng, World Cup khác hẳn đấu trường CLB. Không thể dùng sự vắng mặt của các siêu sao ở đấu trường CLB để bàn về tình huống họ vắng mặt ở World Cup.
Thứ nhất, các ĐTQG chỉ có 2-3 tuần tập trung trước thềm World Cup, nghĩa là chẳng bao giờ nhuần nhuyễn và có thể chơi theo nhiều cách khác nhau như các CLB vốn tập hàng ngày và thi đấu hàng tuần. Thậm chí, các CLB còn phải sử dụng ngôi sao theo kiểu “xoay tua” để tránh tình trạng kiệt sức.
Thứ hai, khi thiếu Suarez thì Liverpool vẫn có thể chấp nhận một giải pháp táo bạo, thậm chí mang tính thử nghiệm, do Premier League gồm đến 38 vòng đấu và luôn cho phép vài lần sẩy chân. World Cup khác hẳn: bạn sẽ về nước ngay sau một trận thua ở giai đoạn knock-out, nghĩa là không có cơ hội sửa chữa sai lầm. “Kế hoạch B” càng quan trọng là vì vậy, cho dù người ta chỉ chuẩn bị sẵn chứ chẳng ai muốn dùng kế hoạch ấy.
Làm sao thay thế Suarez?
Ở lần gần đây nhất Luis Suarez vắng mặt trong một trận đấu chính thức, Edinson Cavani phối hợp với Diego Forlan để ghi bàn duy nhất giúp Uruguay thắng 1-0 trên sân Venezuela. Đấy là một kết quả quan trọng ở vòng loại World Cup. Nhưng HLV Oscar Tabarez hẳn không thể quên một trận quan trọng khác ở vòng loại. Không có Suarez, Uruguay thảm bại 0-4 trên sân Colombia. Trên lý thuyết, nếu không có Suarez thì Forlan đá thay. Nhưng Uruguay thường chơi thiên về phòng ngự và khi có bóng thì họ chuyền nhanh về phía một Suarez khá đơn độc phía trên, để “sát thủ” này tự mình giải quyết vấn đề còn lại. Forlan đã mất tốc độ vì gánh nặng tuổi tác nên khó thay thế Suarez một cách hoàn hảo. Làm sao để thay Suarez vẫn là bài toán quá khó cho Tabarez!
Khi Argentina không có Messi
Lionel Messi chỉ đá chính ở 1 trong 5 trận vòng loại cuối cùng của Argentina (trận thắng 5-2 tại Paraguay). Không có Messi, Argentina thua 2-3 tại Uruguay và thắng Peru 3-1 tại sân nhà. Khi Messi chỉ vào sân từ ghế dự bị, Argentina hòa Colombia 0-0 tại sân nhà và hòa 1-1 tại Ecuador. Messi cũng thường vắng mặt trong các trận giao hữu gần đây. HLV Alejandro Sabella thường xếp Messi sau cặp tiền đạo và trước 3 tiền vệ (2 công, 1 thủ). Chơi như thế thì 2 biên không chắc, nhưng Messi có dịp tỏa sáng nhờ có khoảng trống để thi thố, và Argentina “lấy công bù thủ”. Khi không có Messi, Argentina phòng thủ cận thận hơn, thường dùng đội hình 4-4-2 hoặc 3-5-2. Dĩ nhiên, uy lực tấn công lại giảm đi trong hoàn cảnh này.
Brazil chỉ xem trọng Thiago Silva
Brazil dư thừa tiền đạo và tiền vệ công đến nỗi ngay cả Neymar cũng phải cạnh tranh để có chỗ đứng. Nói cách khác, chẳng bao giờ HLV Felipe Scolari phải bối rối trong trường hợp thiếu Neymar. Với Brazil, trung vệ Thiago Silva mới là cầu thủ khó thay thế nhất. Brazil từng đá giao hữu với Anh trong hoàn cảnh không có Thiago Silva, và hàng phòng ngự của họ bị Theo Walcott tra tấn thường xuyên (Anh thắng 2-1).
Ngoài phẩm chất kỹ thuật và sự chắc chắn trong lối chơi, Thiago Silva còn quan trọng đối với Brazil vì ai cũng biết các hậu vệ cánh Brazil thường xuyên công nhiều hơn thủ. Trên lý thuyết, Brazil không có trung vệ nào đủ sức thay Thiago Silva. Scolari chỉ có thể điều David Luiz về đá trung vệ (cầu thủ này chơi tiền vệ trung tâm hoặc trung vệ đều tốt). Việc của David Luiz ở khu giữa sân khi đó sẽ có tiền vệ khác đảm nhận.