Kinh nghiệm quản quân mùa World Cup: Kỷ luật thép & chiêu độc
Làm cầu thủ mà không xem các trận đấu của giải này xem ra… không ổn, vấn đề là làm sao để cầu thủ thỏa mãn đam mê trái bóng nhưng vẫn đảm bảo thể lực cho những buổi tập hôm sau. Để giải quyết vấn đề này, HLV Lê Huỳnh Đức đã đưa ra nhiều phương án mà theo các cầu thủ là… hợp lý.
Thứ nhất, chọn trận để xem: ưu tiên những trận đấu sớm mà khung giờ thi đấu không quá khuya; chọn những trận được đánh giá là hay, có tính chất quan trọng để xem và tổ chức xem tập thể tại bản doanh đội bóng. Với những trận cầu đinh nhưng diễn ra quá khuya sẽ được ghi lại để hôm sau cùng xem lại mà vẫn đảm bảo tính thời sự. Thứ hai, cấm trại và yêu cầu không khóa cửa phòng để BHL có thể kiểm tra đột xuất.
Tuy nhiên, đây chỉ là cách phổ thông và để quản quân một cách triệt để, nhà cầm quân này có những cách của riêng mình, được đánh giá là “độc”. Ví như việc sử dụng những “cánh tay nối dài”, không hẳn là các thành viên trong BHL mà có thể là gia đình cầu thủ, cũng như vận dụng các mối quan hệ của mình, thậm chí là chính cầu thủ để giám sát cầu thủ.
Ở đội bóng sông Hàn, thường chỉ những cầu thủ trẻ, chưa có gia đình mới phải ở tập trung còn với các cầu thủ đã có gia đình được cho về vào buổi tối nên không ai khác, những “nội tướng” tại gia sẽ là người quản lý, giúp các cầu thủ tránh xa cám dỗ của quả bóng tròn và những trò đỏ đen biến tướng vì cầu thủ cũng như bao người đàn ông khác luôn chấp nhận nguyên tắc “nhất Vợ nhì Trời”.
Luôn đặt câu hỏi: “Đi đâu? Làm gì? Với ai?” và cũng thường xuyên có bằng chứng đầy đủ mỗi lần xảy ra sự cố, HLV Lê Huỳnh Đức khiến các cầu thủ e dè, nể sợ và phải giữ mình ngay cả khi được tự do. Tất nhiên là để có được điều đó, ông phải nhờ đến những mối quan hệ bên ngoài xã hội của mình, mà điều này, Lê Huỳnh Đức được đánh giá là số 1 trong giới cầu thủ và HLV tại Việt Nam.
Ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí là đưa xuống đội trẻ, không phân biệt là công thần hay cầu thủ học việc. Cũng “độc” không kém là chiêu “lấy độc trị độc”: Tăng khối lượng tập luyện đến mức “nuốt xong bài tập, rã rời cả người, tối về chỉ muốn ngủ chứ chẳng còn sức đâu mà thức khuya, xem bóng đá”, một cầu thủ SHB.Đà Nẵng đã thừa nhận như thế ở các kỳ World Cup 2010 và EURO 2012.
Với sự quyết liệt, kỷ luật “thép” đó mà SHB.Đà Nẵng khá vững vàng sau các mùa EURO, World Cup. Thậm chí, mùa bóng 2012 họ còn lên ngôi vô địch V.League với cú bứt phá ngoạn mục. Cái may của Lê Huỳnh Đức là ở Đà Nẵng ông sớm thiết lập được trật tự, thứ đến là cái chất “lành” của đa phần cầu thủ nơi này giúp tình hình được kiểm soát dễ dàng hơn. Vì suy cho cùng, quan trọng nhất vẫn là ý thức cầu thủ.