Cụm từ phổ biến nhất được các tờ báo thể thao Anh trong ấn bản ngày hôm qua sử dụng để mô tả trận lượt về giữa Arsenal và Milan là “mission impossible”. Chẳng cần đam mê điện ảnh nhiều lắm người ta cũng biết cụm danh từ nổi tiếng ấy ở đâu mà ra: đó là tên một serie phim nổi tiếng của tài tử Tom Cruise, tên khi công chiếu ở Việt Nam là “Nhiệm vụ bất khả thi”.
Bộ phim này (với chàng siêu điệp viên Ethan Hunt đẹp trai do Tom Cruise thủ vai) có 2 đặc điểm nổi bật để phân biệt với các phim điệp viên nổi tiếng khác.
Đầu tiên, là nhiệm vụ của Ethan Hunt lúc nào cũng có độ khó khủng khiếp. Cách kết cấu sáng tạo do đạo diễn Brian De Palma (phần 1) khởi xướng, giết sạch cả đội của Hunt ngay khi phim mới bắt đầu ít phút, ngược so với mô-típ truyền thống khi những màn "đồng đội hy sinh" chỉ đến vào cuối phim, đã góp phần làm nên sự nổi tiếng của loạt phim này.
Thứ hai là hỗ trợ công nghệ dành cho Hunt cũng thuộc loại “ngoài hành tinh”. Điệp viên 007 (James Bond) cũng chơi đồ công nghệ, nhưng không hiện đại đến… vô lý như “Nhiệm vụ bất khả thi”, và sử dụng đầu óc nhiều hơn gấp bội.
Hầu hết các nhà phê bình Mỹ đều khẳng định rằng kịch tính của “Nhiệm vụ bất khả thi” chủ yếu tạo nên bởi đồ công nghệ cao.
2. Có nhiều điểm tương đồng giữa “Nhiệm vụ bất khả thi” của Tom Cruise với “Nhiệm vụ bất khả thi” của thày trò HLV Arsene Wenger. Một hoàn cảnh rất đúng kiểu Brian De Palma: nhân vật chính bị đẩy vào cảnh khốn cùng ngay từ phim mới bắt đầu.
Thày trò HLV Arsene Wenger giống Ethan Hunt ở sự dũng cảm. Đáng ngạc nhiên là trong 2 tuần qua, thứ từng là nhược điểm lớn nhất của đội bóng này, tinh thần thi đấu, lại trở thành một thứ vũ khí đáng sợ. Hai cuộc lội ngược dòng trước 2 đối thủ sừng sỏ, trong bối cảnh mất thế trận ngay từ những phút đầu. Tinh thần ấy có thể là nhất thời thôi, nhưng vẫn vô cùng đáng ca ngợi.
Nhưng để vượt qua “nhiệm vụ bất khả thi”, Arsenal còn cần có vũ khí. Những thứ vũ khí “siêu xịn” như của Ethan Hunt, những thứ có thể cộng hưởng với lòng dũng cảm để vượt qua thử thách.
Arsenal có vũ khí gì? Tên lửa xách tay Robin van Persie, và ai nữa? Rất khó trả lời. Những cầu thủ như Theo Walcott hay Gervinho có thể tạo đột biến với sự năng nổ của mình bất cứ lúc nào. Nhưng cái sự ngẫu hứng ấy cũng giống như ngón tay của Lý Liên Kiệt, thỉnh thoảng có thể dùng "nhất dương chỉ" xuyên thủng tường gạch. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, người ta cần phải có máy khoan hoặc hỏa lực mạnh.
3. Champions League không ủng hộ những câu chuyện cổ tích. Nó thực tế đến phũ phàng. Những câu chuyện người ta tưởng là “cổ tích” như Porto gặp Monaco ở chung kết năm 2004, điểm lại cũng thấy toàn ngôi sao giá mấy chục triệu euro, chơi như lên đồng, từ Morientes, Giuly cho đến Deco, Carvalho.
Không ai cấm những người Arsenal mơ mộng, đặc biệt là khi họ đã có sự kiên gan đáng quý. Nhưng những giấc mơ bóng đá luôn cần có cơ sở. Những nhiệm vụ bất khả thi luôn cần đến vũ khí hiện đại hàng đầu.
Thất bại là mẹ thành công. Thất bại ở trận lượt đi bỗng khiến Arsenal trở nên cứng cỏi lạ kỳ. Cái cách đau đớn họ chấm dứt hành trình Champions League mùa này, biết đâu chẳng trở thành liều thuốc tốt cho cả một thế hệ Pháo thủ?
Bongdaplus.vn