Mục tiêu cuối cùng của bóng đá, với tư cách một môn thể thao, không phải là những danh hiệu. Có tìm đỏ mắt trong cam kết sứ mệnh của FIFA cũng không thấy một từ nào kiểu như “glory” (vinh quang) hay “trophy” (danh hiệu). Mục tiêu của bóng đá là tạo ra những hình mẫu xã hội, “chạm đến mọi cuộc sống” – theo lời cam kết của FIFA.
Tất nhiên, có thành tích tốt cũng có ý nghĩa quan trọng. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, việc đội nhà chiến thắng có thể tăng thêm sự tự tin cho CĐV trong cuộc sống thường ngày.
Nhưng vẫn còn những bài học quan trọng khác không liên quan đến thành tích. Ví dụ như học cách tôn trọng cái Tôi. Đó là một tâm niệm mà thỉnh thoảng người ta quên đi nếu coi chiến thắng là tất cả. Một mâu thuẫn kinh điển của đời sống: đôi khi, muốn có thành công, anh phải chấp nhận đánh đổi cái Tôi.
2. HLV Villas-Boas đã không làm được rất nhiều điều tại Chelsea. Ông không định hình được một chiến thuật cụ thể, khiến cho niềm tin của cầu thủ lung lay, rồi điều này lại dẫn đến những mâu thuẫn trong phòng thay đồ. Nhưng cũng có những nguyên nhân khách quan: đó là một đoàn quân đã già cỗi và được tăng cường quá ít, những “ông sao” ở Stamford Bridge thì chưa bao giờ biết tôn trọng HLV đúng mức.
HLV Villas-Boas có thể sẽ đi. Nhưng nếu phải đi, thì Villas-Boas sẽ đi theo cách của ông. Đó là chi tiết quan trọng nhất.
“Tôi không cần sự ủng hộ của cầu thủ” – Villas-Boas nói. Sẽ rất dễ để cảm nhận rằng đó là một câu nói “cùn”. Một HLV không có sự ủng hộ của cầu thủ là một HLV đã và sẽ thất bại. Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác, thì đó lại là hành động dũng cảm nhất mà một HLV có thể làm được ở Chelsea.
Mâu thuẫn nổ ra có phải lỗi của riêng Villas-Boas? Lịch sử CLB này thời Abramovich nói rằng giữa HLV và cầu thủ ngôi sao, bên nào mạnh hơn? Bên nào hay chủ động gây sự hơn? Và đã từng có ai đưa ra lời tuyên chiến với đám ngôi sao dưới quyền như thế? Hay họ luôn cố thỏa hiệp với cả hai bên (rồi bất thành)?
“Chủ quyền của tôi là cao nhất” - Mourinho cũng từng đưa ra thông điệp ấy, nhưng không dưới dạng một lời tuyên chiến. HLV Villas-Boas thì khác. Ông đã nói rõ rằng hoặc theo ông, hoặc đừng chơi cho Chelsea.
3. Căn cứ duy nhất để HLV người Bồ Đào Nha phát động cuộc chiến với thuộc cấp, là sự ủng hộ của ông chủ Abramovich. Đó là một thứ có thể biến mất bất kỳ lúc nào: với ông tỷ phú có máu nghệ sỹ ấy, chẳng ai được an toàn. Nhưng với những gì ông đã nói và làm, không thể vì cái trát sa thải mà bớt tôn trọng “chàng trai” 34 tuổi ấy.
Xin được kết thúc bằng một câu chuyện lượm lặt. HLV Ian Holloway kể rằng trong buổi phỏng vấn xin việc ở Blackpool, ông đã hất hàm hỏi chủ tịch Karl Oyston: “Ông nhìn xem bây giờ là mấy giờ?”, khi nhà tài phiệt đến muộn 25 phút, rồi sau đó cởi cà vạt ra ném vào Oyston vì ông này không đeo cà vạt đến phỏng vấn mình.
Holloway không tạo được điều thần kỳ nào cùng Blackpool ở Premier League mùa giải trước, vì tiềm lực của CLB quá yếu, nhưng ông vẫn tại vị: Karl Oyston thích cách làm việc của ông, CĐV tôn trọng ông.
Nếu có một ông bố cần kể cho con trai mình một câu chuyện về lòng tự tôn, đừng kể chuyện Blackpool thắng dăm ba trận Premier League, mà hãy kể chuyện Ian Holloway đi phỏng vấn. Đừng kể chuyện Chelsea ở mùa giải 2011/12, mà hãy kể về cách ra đi của HLV Villas-Boas.
Tất nhiên, đó chỉ là một cách nhìn. Nhưng ở Chelsea bây giờ, cũng thỉnh thoảng mới có thứ tích cực để nhìn vào.
Bongdaplus.vn