Điều gì tiếp theo, khi ngay cả Celtic cũng không sợ Barca?
Bức tường của Lennon
“La gran muralla” (Vạn lý trường thành), tờ Mundo Deportivo đã giật cái tít như thế sau khi đội bóng xứ Catalunya thất thủ tại tổ ấm của Celtic. Ý của tờ báo này là không thể rõ hơn: thầy trò Tito Vilanova thua vì đối thủ chủ động chơi kiểu phòng ngự tiêu cực. Tuy nhiên, người ta cũng khó có thể gán cho Celtic cụm từ “phản bóng đá”. Vì đội bóng Scotland chỉ đơn giản là làm những gì cần thiết, và chiến thắng.
HLV Neil Lennon chỉ đạo các học trò thực hiện đúng bài bản mà mọi đối thủ sẽ áp dụng khi đối mặt Barca. Đó là phòng ngự nhiều tầng, cô lập Messi và chờ đối thủ lên bóng ở biên rồi tấn công vào khoảng trống sau lưng các hậu vệ cánh. Và đội chủ nhà đã làm quá tốt. Vì tuy cầm bóng tới 85,3% trong hiệp 1 (kỷ lục của Champions League), nhưng Barca chỉ tạo ra được 4 cơ hội và không ghi nổi một bàn thắng.
Ngược lại, họ còn thủng lưới theo kịch bản giống hệt trận lượt đi. Chỉ khác là lần này, người trừng phạt hàng thủ “thiếu thước tấc” của đội bóng xứ Catalunya là Wanyama chứ không phải Samaras. Và khi thế trận nhùng nhằng tiếp diễn đến tận những phút cuối, các cule đã bắt đầu cảm nhận rõ ràng về một thất bại. Thực tế diễn ra đúng như vậy, khi Watt dội gáo nước lạnh thứ hai vào đội khách với bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 trong một pha phản công mẫu mực, biến pha lập công ở phút bù giờ của Messi trở thành vô nghĩa.
Dấu hiệu thoái trào?
Rốt cuộc, Celtic chiến thắng. Nếu chỉ nhìn vào các con số thống kê là các học trò của Neil Lennon chỉ kiểm soát bóng 16% cả trận, và ghi được 3 bàn trong 2 cuộc chạm trán Barca chỉ sau... 4 cú dứt điểm trúng đích, có vẻ như đó là 3 điểm khá may mắn. Nhưng công bằng mà nói, đội bóng Scotland đã có một trận thắng rất xứng đáng.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là có vẻ như đội bóng Catalunya cũng không còn là con ngoáo ộp của châu Âu nữa. Vì hiện giờ, ngay cả Celtic cũng có thể tái hiện điều mà những Chelsea, Inter và Real Madrid từng làm được. Nguyên nhân chủ quan là đấu pháp hợp lý, cùng khả năng phát huy tối đa những điểm mạnh trong không chiến và tốc độ của đội chủ nhà. Nhưng tất nhiên, ngọn nguồn nằm ở chính Barca.
Theo phân tích của cây bút Guillem Balague (tờ AS), lối chơi tiqui-taca của đội bóng Catalunya đã lạc nhịp khá nhiều dưới thời Tito Vilanova. Hiện tại, họ phải dựa nhiều hơn vào nỗ lực cá nhân để giành chiến thắng, thay vì những pha dàn xếp tập thể như ở kỷ nguyên Pep Guardiola. Hệ quả là khi cá nhân không tỏa sáng, đội bóng cũng bế tắc. Và sau màn “rúc váy” ở Scotland, có lẽ cũng nên đặt câu hỏi liệu đây có phải là những dấu hiệu thoái trào nơi đội bóng vẫn mặc nhiên được coi là mạnh nhất thế giới thời gian gần đây?
Chết vì... lùn
Một nguyên nhân cơ bản khiến Barca liên tục thủng lưới thời gian gần đây là vì lùn. Họ là đội bóng có chiều cao trung bình thấp nhất vòng bảng Champions League mùa này: 1m74. Ngược lại, Celtic là đội cao nhất: 1m85 và đội bóng Scotland đã tận dụng quá tốt ưu thế khi Wanyama (1m88) đè nghiến Alba (1m70) rồi đánh đầu ghi bàn mở tỷ số.
CON SỐ:
5. Forster là thủ môn thứ 5 có đường kiến tạo thành bàn ở Champions League trong 10 mùa gần nhất.
71. Messi góp công vào 71 bàn thắng trong 72 trận đấu của Barca ở Champions League, gồm 54 bàn thắng và 17 lần “dọn cỗ”.
85,3. Barca cầm bóng tới 85,3% thời lượng trong hiệp 1 trận gặp Celtic, con số cao nhất trong lịch sử Champions League.
2009. Đây là thất bại đầu tiên của Barca ở vòng bảng Champions League sau 3 năm, kể từ trận thua Rubin Kazan 1-2 ngày 20/10/2009.