
Và dường như, những đội bóng ấy đang khiến các HLV phải quan tâm nhiều hơn tới cầu thủ gốc địa phương…
LẤY THƯỚC ĐO KHÁN GIẢ
Tâm lý chung của khán giả thường cổ vũ rất mạnh những đội bóng có nhiều cầu thủ gốc địa phương. Ở Nghệ An, Đồng Tháp, Thanh Hóa khán giả đến sân nhiều cũng bởi trong đội hình của họ đa phần là cầu thủ Nghệ An, Đồng Tháp hoặc Thanh Hóa. Trong khi đó, những đội bóng tiêu biểu cho chính sách thu hút cầu thủ giỏi từ khắp nơi lại rất vất vả trong việc chinh phục khán giả. Hà Nội T&T, Navibank Sài Gòn, Sài Gòn FC… những CLB có nhiều cầu thủ tứ xứ trong đội hình luôn đau đầu trong việc kéo khán giả đến sân.
Chẳng phải tự nhiên mà lãnh đạo CLB Sài Gòn FC cắt bỏ chữ Xuân Thành ở phía trước cái tên của đội và khi tuyển quân cũng ưu tiên cầu thủ gốc TP.HCM. 1 năm trước, lãnh đạo đội bóng này định đưa HLV Nguyễn Văn Thịnh về cầm quân nhưng sau nhiều lần cân đo đong đếm, họ chọn ê-kíp BHL đều là những cầu thủ có thời gian dài gắn bó với bóng đá TP.HCM như Lư Đình Tuấn, Liêm Thanh, Văn Phụng… Mùa giải năm nay, HLV Triệu Quang Hà về Thanh Hóa cũng bằng mọi giá chiêu mộ những cầu thủ gốc Thanh Hóa.
Những nhà kỹ trị thức thời nhất đều hiểu vai trò quan trọng của khán giả đối với đội bóng và sự kết nối tính truyền thống có giá trị như thế nào. Các HLV - nhất là những HLV được cầm đội bóng quê hương - luôn dành một sự ưu ái nhất định trong việc tuyển quân từ chính lò đào tạo trẻ của mình. Nó không chỉ là liên quan đến khán giả mà còn mang những ý nghĩa tích cực về mặt chuyên môn. SLNA, Thanh Hóa, CS.ĐT có thể không nhiều ngôi sao nhưng để đánh bại họ là điều không dễ dàng bởi đó những tập thể giàu truyền thống, có sự ăn ý về mặt chiến thuật khi các cầu thủ hiểu được cách chơi của nhau. Ở đây, những nhà cầm quân cũng dễ dàng khơi dậy tính màu cờ sắc áo địa phương cho các học trò hơn những đội bóng gồm nhiều cầu thủ tứ xứ. Lối chơi của một CLB được xây dựng trong nhiều năm và việc có một nền tảng đào tạo trẻ giúp các đội bóng giàu tính địa phương giữ được bản sắc riêng.

HỘI NHẬP NHƯNG ĐỪNG HÒA TAN!
Hẳn nhiều người còn nhớ SHB Đà Nẵng vô địch năm 2009 cũng bởi một dàn cầu thủ nội tỉnh ở độ chín tài năng, lại giàu khát vọng chinh phục làm nòng cốt. Chỉ sau đó 1-2 mùa giải, SHB.ĐN không giữ được những cầu thủ gắn bó nhiều năm cùng đội nên dù được tăng cường nhiều ngôi sao chất lượng cao như Ngọc Thanh, Minh Phương…, họ vẫn không thể giữ được chức vô địch.
Becamex Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An đã từng lên ngôi vô địch bởi một đội hình có rất ít những cầu thủ được họ đào tạo. Thế nên, khi lứa cầu thủ ấy qua thời đỉnh cao thì họ lập tức lâm vào tình trạng khó khăn. Thậm chí, ngay khi tài chính của họ có vấn đề, lương thưởng không vượt trội những đội bóng giàu tính địa phương thì tình trạng lộn xộn, suy thoái diễn ra nhanh chóng.
Tất nhiên, nói thế không có nghĩa là mô hình CLB bóng đá với nhiều cầu thủ tứ xứ là thất bại. Ngược lại, những đội bóng lấy quân tứ xứ thường tiên phong trong cách quản lý chuyên nghiệp và nên cũng có nhiều đội gặt hái thành công.
Muốn cạnh tranh vô địch, người ta phải sẵn sàng đón nhận những cầu thủ giỏi từ nơi khác về. Đó cũng là xu hướng chung của bóng đá thế giới chứ không riêng ở Việt Nam.
Bongdaplus.vn