
Thế nên, sở hữu một đội hình “thuần địa phương” như thế sẽ giúp cho các HLV dễ bề “cai quản”, chỉ đạo và cơ hội thành công cũng cao hơn là một đội quân đến từ mọi miền trên đất nước.
Ở V-League hiện nay, vẫn có rất nhiều đội bóng sở hữu phần lớn những cầu thủ cho chính địa phương ấy đào tạo nên. Đó cũng chính là nơi được gọi là “cái nôi” của đào tạo trẻ cho bóng đá Việt Nam. Có thể nhận thấy “tính địa phương” đậm chất nhất ở một số đội như SHB.ĐN, SLNA, Đồng Tháp và thậm chí cả HA.GL trong thời gian gần đây.
Dù hòa nhập trong dòng chảy của bóng đá chuyên nghiệp trong những năm qua khi buộc phải tậu thêm những cầu thủ ở nơi khác đến như Minh Phương, Ngọc Thanh, Cảnh Lâm, Ngọc Nguyên, Tấn Điền…, nhưng gam màu chủ đạo ở lực lượng của SHB.ĐN vẫn là nguồn nhân lực do chính đội bóng bên bờ sông Hàn đào tạo nên.
Trong khi đó, phải đối mặt với nạn chảy máu cầu thủ sau những mùa giải liên tiếp, CS.ĐT vẫn giữ được bản sắc của mình khi không bị “pha tạp” nhiều bởi những cầu thủ ở địa phương khác. Sau một thời gian vung tiền để chiêu dụ cầu thủ hòng sớm thành công thì HA.GL hiện nay bắt đầu tìm đến chính sách “địa phương hóa”. Những cầu thủ trẻ đang có tiềm năng như Duy Thanh, Hoàng Thiên, Tuấn Mạnh… có thể không hẳn là người Gia Lai, nhưng lại được chính HA.GL đào tạo từ nhỏ.
Nếu tìm một đội bóng mang đậm màu sắc địa phương nhất thì phải kể đến SLNA. Vốn được coi là lò đào tạo trẻ số một của bóng đá Việt Nam, nên SLNA luôn giới thiệu được những lứa cầu thủ trẻ kế cận có chuyên môn cao. Tuy vẫn không thoát khỏi quá trình “giao thoa” khi tậu một số cầu thủ từ Huế đến như Ngọc Luận, Cửu Phú… nhưng số ấy lại không nhiều với chỉ vài ba cầu thủ. Chính nguồn lực bản địa ấy mới là sức mạnh của SLNA và tạo nên một nét rất riêng so với phần còn lại của V-League.
Bongdaplus.vn