(BongDa.com.vn) - Sau khi clip "bình loạn" về "trận thua lịch sử của Manchester United tại Champions League" trong "ngày cá tháng Tư" của các bình luận viên (BLV) VTV3 được phát đi, nỗi bức xúc của khán giả về những sai lầm dài kỳ của đội ngũ cầm mic tại VTV lại dấy lên. BLV bóng đá là nghề vất vả, đòi hỏi nhiều công sức, khổ luyện và cả khả năng chịu đựng sự chỉ trích của công chúng. Đó cũng là nghề làm dâu trăm họ, khó mà khiến tất cả khán giả vừa lòng. Nhưng không thể vì lẽ đó mà mãi chối bỏ những sai lầm. Chỉ khi người ta dám thẳng thắn nhận lỗi thì mới dám sửa sai.
VTV khẳng định MU đã thua trận trước Basel! Nguồn: Getty. |
Cá nhân tôi cho rằng một số BLV hiện nay chưa tôn trọng khán giả. Sự thiếu tôn trọng ở đây không đơn thuần là lỗi phát âm hay gọi tên sai một cầu thủ hay HLV nào đó mà là sự lạm dụng thái quá cách diễn đạt văn vẻ, bóng bẩy khi bình luận các trận đấu. BLV làm một trận đấu không phải cho riêng mình mà cho rất nhiều người khác. Không phải BLV thấy hay là hàng triệu khán giả cũng thấy hay, không phải BLV thích "thơ ca hóa" trận đấu thì khán giả cũng phải chiều theo những mảnh thơ ca lai láng đó. Thay vì đem bầu nhiệt huyết và đam mê vào các trận đấu, không ít BLV đã bóp nghẹt chúng bằng những ngôn từ chẳng ăn nhập gì với diễn biến trên sân. Phải nói BLV nhà đài rất thích làm thơ, viết nhạc thậm chí sáng tác kịch mỗi khi bình luận các trận cầu nảy lửa. Nhưng xin lỗi, hàng triệu khán giả muốn xem đội bóng mình hâm mộ thi đấu ra sao chứ không rảnh để thưởng thức thơ ca giữa đêm khuya đang về. Một khi ngôn từ dễ dãi và phóng túng của một số BLV đã thành hài kịch thì "siêu phẩm" kiểu "Những câu nói bất hủ của TBC và đồng nghiệp" ra đời nhan nhản trên internet là điều tất yếu.
Tôi cũng cho rằng một số BLV chưa thực sự chuyên nghiệp, thể hiện qua những nhận định hời hợt và lượng kiến thức bóng đá chưa sâu. Khi có một bàn thắng hay một tình huống nguy hiểm diễn ra, rất ít BLV phân tích dưới khía cạnh chuyên môn như cách tiền đạo đội A di chuyển ra sao hay hậu vệ đội B chọn vị trí sai lầm như thế nào... thay vào đó họ thường "kể lại" cho khán giả nghe những gì tất cả vừa theo dõi. Và khi trận đấu diễn ra bế tắc hay nhàm chán thì BLV biến nó thành trò hề bằng những thứ chẳng hề liên quan đến sân cỏ. Thay vì phân tích diễn biến trên sân đồng thời dự đoán sự thay đổi về chiến thuật và con người của các HLV, một số BLV gửi tặng khán giả những thông tin bổ ích về nhóm máu, tuổi tác thậm chí đời tư cầu thủ cho đỡ buồn ngủ. Phàm là con người ai chẳng biết yêu và ghét, nhưng BLV thì không được để cảm xúc cá nhân chi phối nhận định mà mình đưa ra.
Và câu chuyện về lời xin lỗi
Khi lời xin lỗi là chưa đủ... Nguồn: Internet. |
Đã là con người ai chẳng mắc sai lầm, quan trọng là họ có dám thẳng thắn nhận lỗi và sửa chữa hay không. Tôi đã đợi nhiều ngày kể từ scandal "bình loạn" xảy ra nhưng tuyệt nhiên không một ai liên quan cáo lỗi với khán giả. Phải chăng quá khó để tìm kênh thông tin đăng tải lời xin lỗi? Không hề. Nếu muốn những người trong cuộc có thể thông qua trang web chính thức của VTV hay thậm chí gửi bức thư cáo lỗi đến các trang mạng truyền thông để xin lỗi khán giả. Buồn thay vì tuyệt nhiên không ai làm vậy.
Tôi xin kết thúc bài báo bằng scandal gần đây của BLV nổi tiếng Andy Gray, người có gần 20 năm cầm mic và cả trăm ngàn người dõi theo trên Twitter. Trong trận Wolves gặp Liverpool cuối tháng một vừa qua, BLV kì cựu của Sky Sports cùng đồng nghiệp Richard Keys tưởng rằng micro đã tắt nên cùng nhau bàn tán về năng lực của nữ trọng tài biên Sian Massey, Keys cho rằng Massey cũng như các trợ lý trọng tài nữ khác không hiểu về luật việt vị còn Gray phụ họa thêm đáng lẽ phải có người xuống sân giải thích cho các nữ trọng tài. Và sự việc không dừng lại ở đó. 12 tiếng sau khi trận đấu kết thúc, Andy phải ra điều trần trước ủy ban đạo đức và kỷ luật của Sky Sports. 24 tiếng sau đó, đích thân giám đốc điều hành Sky Sports Barney Francis đứng ra nhận trách nhiệm về vụ scandal và tuyên bố kênh truyền hình này đã sa thải Andy Gray.
Ở Việt Nam chúng ta chuyện sa thải như trên chắc không bao giờ xảy ra, nhưng mưu cầu một lời xin lỗi liệu có quá khó hay không?
(Thành Trần Nguyễn - Oberlin College)