Cả nửa tháng trước khi tập trung ĐTVN để chuẩn bị cho trận giao hữu với ĐT Nhật Bản, HLV Falko Goetz đốc thúc các học trò tập luyện rất miệt mài. Tất cả những lời nói, hành động của nhà cầm quân người Đức đều xoay quanh triết lý xây dựng ĐTVN với “tinh thần Nhật, ý chí Đức trên đôi chân Việt Nam”.
KHI THẦY GOETZ KỂ CHUYỆN
Cả thế giới nghiêng mình trước tinh thần vượt khó của người dân Nhật Bản với thiên tai sóng thần và cảm phục những kỹ sư của nhà máy hạt nhân Fukushima vẫn bám trụ đến cùng. Câu chuyện đau lòng, với tổn thật to lớn về con người lẫn vật chất do thiên tai gây ra của người Nhật Bản là đề tài chính mà HLV Falko Goetz truyền tải đến các học trò. Ông thầy người Đức nhấn mạnh rằng, các trò phải học tập tinh thần của người Nhật Bản bởi dù luôn nhỏ bé trước thiên nhiên nhưng với quyết tâm tột độ và cả sự hy sinh thầm lặng, con người có thể chiến thắng cả thiên nhiên và hiểm họa hạt nhân. Mỗi cầu thủ đều có thể tìm thấy bài học quý thông qua câu chuyện về tinh thần người Nhật.
Chưa hết, rất nhiều tuyển thủ Việt Nam mong HLV Falko Goetz chỉ bảo tuyệt chiêu làm nên thương hiệu ý chí của người Đức. Dù thật khó để HLV trưởng ĐTVN trả lời cụ thể nhưng tất cả đều có một điểm chung: Ý chí đó không tự nhiên có được, mà phải qua nỗ lực tự rèn luyện của mỗi cầu thủ. HLV Falko Goetz nói rằng ý chí Đức không phải là tài sản thừa kế được chuyển từ thế hệ cầu thủ trước cho thế hệ sau mà mỗi người lên đội tuyển Đức đều phải tự trang bị cho mình. Theo thời gian, ý chí Đức trở thành “đặc sản”, khiến NHM thế giới phải khâm phục và không ít lần, ĐT Đức giành chức vô địch nhờ vũ khí tinh thần này.
TỪ TẦM NHÌN ĐẾN HÀNH ĐỘNG
Câu chuyện cảm động về tinh thần Nhật Bản và ý chí của người Đức, các học trò của ông Goetz đều đã thấm nên giờ là lúc họ biến vũ khí tinh thần ấy thông qua những buổi tập, bằng thái độ tập luyện cũng như tinh thần không bao giờ bỏ cuộc. Nửa tháng trước ngày tập trung, HLV Falko Goetz gặp Công Vinh và đưa ra nhận xét: “Cậu đang béo lên đấy, trong vòng 15 ngày, giảm cho tôi 2 kg và tập luyện dần đi”. Ngay lập tức, chàng trai xứ Nghệ xin tập luyện cùng đội trẻ SLNA, thường xuyên đến phòng tập thể lực và làm bạn với bể bơi, dù anh rất bận rộn cho những việc liên quan tới bản hợp đồng với bầu Kiên.
Hay như Ngọc Thanh, mỗi khi gặp gỡ, HLV Falko Goetz đều có những nhận xét về chuyên môn và động viên cậu học trò này phấn đấu, vì bản thân, vì đội tuyển và vì cả chiếc áo số 10. Thế nên, trước khi lên tập trung đội tuyển, Ngọc Thanh đã nhồi thể lực trong 10 ngày liên tiếp để sẵn sàng đóng góp cho ĐTVN. Rất nhiều những câu chuyện cảm động khác về đội tuyển đã diễn ra như lời chia tay buồn bã của trung vệ Minh Đức khi anh không kịp bình phục chấn thương để góp mặt. Phước Tứ chạy đua với thời gian để cùng đồng đội lên đường hay sự háo hức của những cầu thủ trẻ như Trọng Hoàng, Đình Tùng, Thành Lương, Văn Quyết…
Khoảng cách từ tầm nhìn tới hành động là một quãng đường dài nhưng nó đang được HLV Falko Goetz và các học trò thu hẹp!
Chiếc áo và tấm ảnh kỷ niệm
Trong hành lý của các cầu thủ Việt Nam, ngoài dụng cụ, trang phục tập luyện, thi đấu và lương thảo, các tuyển thủ Việt Nam còn mang theo những chiếc máy ảnh. Ai cũng muốn được đổi áo với những ngôi sao Nhật Bản đang tỏa sáng ở trời Âu và lưu lại những khoảnh khắc lịch sử cùng họ. Ngoài ra, thầy trò HLV Falko Goetz cũng háo hức với những danh thắng “đẹp như tranh vẽ” ở đất nước mặt trời mọc.
Nguồn: bongdaplus.vn