
Đồng thời, những đội bóng mang nặng tính địa phương còn có vẻ bài xích khi nhìn vào những đội bóng có nhiều cầu thủ tứ xứ như Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An, B.Bình Dương, Hà Nội T&T… Vậy nhưng thực tế trong hơn 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp ở ta, những đội bóng nặng tính địa phương như Nam Định, Sông Lam Nghệ An, Đồng Tháp, TT-Huế, Bình Định… hầu như luôn thất thế trước những đối thủ được mệnh danh “Lương Sơn Bạc”. Thậm chí nhiều đội mạnh ngày nào, giờ đã xuống chơi ở những cấp độ thấp hơn như Nam Định, TT-Huế, Bình Định và vẫn chưa thấy ngày trở lại sân chơi chuyên nghiệp. Tại sao lại như vậy?
Có một thực tế là những đội bóng mang nặng tính địa phương thường đi liền với kiểu làm bóng đá bao cấp, đồng nghĩa kinh phí đội bóng hầu như gắn liền với ngân sách của địa phương. Mà thường ngân sách thì chẳng thể chỉ dành riêng cho mỗi bóng đá nên kinh phí luôn eo hẹp, dẫn đến đội bóng luôn trong tình trạng nghèo. Nghèo thì đi đôi với khó, nên chẳng ngạc nhiên khi các đội bóng mang nặng chất địa phương rất khó phất lên nếu không có doanh nghiệp nào nhảy vào “chống lưng”.
Trong khi đó, những đội bóng “Lương Sơn Bạc” thường được cầm trịch bởi các doanh nghiệp. Lẽ thường, những ông chủ này luôn biết cách sử dụng đồng tiền của mình thật hiệu quả, bởi “đồng tiền đi liền khúc ruột”, mà hiệu quả trong bóng đá đương nhiên được thể hiện rõ ràng nhất qua thành tích. Muốn có được thành tích, họ không tiếc tiền mua về những cầu thủ giỏi từ khắp nơi, đồng thời móc hầu bao treo thưởng cho những trận thắng nhằm kích thích tinh thần của tướng sĩ. Những điều này thì các đội bóng mang tính địa phương khó có thể làm được, nên chuyện các đội bóng doanh nghiệp thắng thế âu chẳng lạ.
Tuy nhiên, việc mua các cầu thủ tứ xứ về cũng có những mặt hạn chế nhất định, đặc biệt là trong việc kết nối họ lại thành một khối. Và để kết nối được các ngôi sao ấy vào một dải thiên hà nhằm biến thành sức mạnh thật sự, điều đó cần rất nhiều vào tài năng của các HLV. Thế nhưng, để HLV và các ngôi sao ấy tìm được tiếng nói chung trong công việc, cũng như gắn kết các cầu thủ lại thành một khối thì cần phải có thêm sự “đắc nhân tâm” và tiền của những ông chủ. Đặc biệt với bóng đá của ta hiện nay, đồng tiền có thể gắn kết và dẹp yên được tất cả những mối bất hòa.
Chẳng nói đâu xa, những ngày Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An, Hà Nội T&T mới xuất hiện ở V-League, nội bộ của họ luôn có những cơn sóng ngầm, và ông chủ của các CLB kể trên đều có mặt thường xuyên cùng đội, cũng như tung rất nhiều tiền để treo thưởng cho thành tích. Và đấy cũng là cách để dung hòa lẫn dẹp yên những cơn sóng ngầm. Để rồi sau một thời gian làm bóng đá kiểu “Lương Sơn Bạc”, giờ những CLB kể trên đang bắt đầu gầy dựng bản sắc địa phương cho mình từ nền tảng bóng đá trẻ. Để làm được điều đó, đầu tiên là phải có tiền!
Bongdaplus.vn