Ông Ly nói: “Để quy trách nhiệm lên một người, hoặc vài cá nhân sau thất bại của U23 Việt Nam thì quá đơn giản, nhưng để thay đổi thực tế đáng buồn, chúng ta phải tìm hiểu cội rễ vấn đề. Theo tôi, thất bại tại SEA Games là tổng hòa của rất nhiều nguyên nhân và nó phản ánh rõ nét những tồn tại của nền bóng đá”.
“CHẤT LƯỢNG ĐẦU VÀO KÉM”
PV: Thưa ông Trần Duy Ly, đã có rất nhiều ý kiến luận bàn về nguyên nhân thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 26. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Ông Trần Duy Ly: Trước tiên, phải khẳng định việc U23 Việt Nam không giành được HCĐ tại SEA Games 26 là một thất bại. Theo tôi, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thất bại này là chất lượng đầu vào của U23 Việt Nam thấp.
Đầu tiên thể hiện ở việc, các cầu thủ của chúng ta thua kém về thể hình, thể lực. Thua về tầm vóc, kém về sức mạnh, tốc độ, điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chuyên môn. Bóng đá về bản chất là một môn đối kháng. Ai chiếm thế thượng phong về thể hình, thể lực, tốc độ, người đó nắm quyền chủ động trên sân. Theo thống kê của tôi, tại SEA Games lần này, nhiều lần các cầu thủ của chúng ta xuất phát trước nhưng cuối cùng vẫn thua đối thủ vì không có tốc độ. Thành Lương và Văn Thắng được yêu cầu đột phá xuống 2 biên, nhưng do không có tốc độ, lại vấp phải sự truy đuổi của hậu vệ đối phương, họ đành phải quặt bóng lại và U23 Việt Nam đánh mất sự đột biến trong các pha tấn công.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến thất bại của U23 Việt Nam là sự non kém về kinh nghiệm trận mạc. Đây là điểm khác biệt giữa thế hệ cầu thủ hiện nay với trước đây. Đáng nói hơn, những cầu thủ bản lĩnh nhất, được kỳ vọng nhiều nhất như: Trọng Hoàng, Văn Thắng, Văn Quyết, lại sa sút phong độ, không thể trở thành chỗ dựa cho đồng đội. Chỉ có 2 cầu thủ của U23 Việt Nam tạo được ấn tượng mạnh với dư luận là thủ môn Bửu Ngọc và đội trưởng Thành Lương. Nhưng như thế là quá ít, không đủ để trở thành bệ phóng cho toàn đội.
Nguyên nhân thứ ba xuất phát từ nguồn nhân sự cho U23 Việt Nam tại SEA Games 26. Chúng ta không có những tiền đạo thực sự phù hợp với sơ đồ chiến thuật 4-4-2. Nói rộng ra, chúng ta thiếu những vị trí điển hình, có thể trở thành rường cột cho lối chơi của U23 Việt Nam.
“ÔNG FALKO GOETZ CÓ HẠN CHẾ”
Một điều mà dư luận đang quan tâm là trách nhiệm của HLV Falko Goetz trong thất bại của ĐT U23 Việt Nam đến đâu. Quan điểm của ông về nhà cầm quân người Đức này thế nào?
- Cách làm của ông Falko Goetz có hạn chế nhất định. Có thể là do quỹ thời gian của nhà cầm quân này không nhiều, nên việc tuyển chọn nhân sự cho U23 Việt Nam không được như ý. Ông ấy phải phụ thuộc vào các trợ lý cũng như các bộ phận chuyên môn khác nên không chọn được những cầu thủ phù hợp với quan điểm chiến thuật của mình.
Falko Goetz có kinh nghiệm làm việc ở những nền bóng đá phát triển, nhưng đáng tiếc là khi đến Việt Nam, tôi có cảm giác, ông không kế thừa được những ưu điểm trong lối chơi của ĐTQG và U23 QG trước đây. Chúng ta từng rất thành công khi đá nhỏ và nhuyễn, bởi nó phù hợp với tố chất của con người Việt Nam. Trong khi các cầu thủ chưa có đủ thời gian để chuyển hóa sang sơ đồ chiến thuật 4-4-2 thì đã lộ rõ những hạn chế. ĐT U23 Việt Nam tấn công chưa hiệu quả, còn phòng ngự thì có nhiều sơ hở.
Ngoài ra, ông Falko Goetz cũng không tìm ra và xây dựng thành công đội hình chính cho U23 Việt Nam. Ông liên tục xáo trộn các vị trí trên sân dẫn đến việc một số cầu thủ không được chơi đúng sở trường và lối chơi của U23 Việt Nam vì thế mà thiếu tính ổn định. Một trong những hạn chế khác của ông Falko Goetz là không động viên được sức mạnh tổng hợp của các cầu thủ trong những thời điểm quyết định. U23 Việt Nam dễ buông xuôi khi gặp khó khăn, nhưng đôi lúc lại quá quyết liệt dẫn đến phạm lỗi nhiều.
Nhưng tôi có cảm giác, những lý do mà ông đưa ra vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm?
- Đúng! Như tôi đã nói, đó là những nguyên nhân trực tiếp mà người ta dễ dàng nhận ra khi theo dõi hành trình của U23 Việt Nam tại SEA Games 26. Nguyên nhân sâu xa nhất, khởi nguồn của mọi sự thất bại chính là công tác đào tạo trẻ. Chúng ta không có những cầu thủ có thể trạng tốt là do xem nhẹ tiêu chí thể hình trong tuyển chọn đầu vào.
Thường thì chúng ta chỉ quan tâm đến kỹ thuật, khả năng trình diễn bóng mà quên mất rằng, muốn thành công, bóng đá Việt Nam phải có những cầu thủ biết “đấu bóng” chứ không chỉ dừng lại ở việc “đá bóng”. Nghĩa là phải tuyển chọn những cầu thủ có thể hình, thể lực tốt. Tất nhiên, bóng đá vẫn có những ngoại lệ như trường hợp của Maradona, Messi (Argentina) hay Ba Đẻn (Việt Nam). Nhưng một đội bóng có 1 hoặc 2 cầu thủ cao 1m60 thì đặc biệt, còn nếu quá nhiều lại thành hạn chế, nhất là trong bối cảnh bóng đá ngày càng đòi hỏi sự mạnh mẽ trong đối kháng.
Quan trọng hơn, hệ thống đào tạo trẻ dường như đang gặp khó, điều này ảnh hưởng đến nguồn cung cho U23 Việt Nam. Chúng ta thiếu những cầu thủ trẻ thực sự đặc sắc như thế hệ của Văn Quyến, Quốc Vượng hay Công Vinh. Trong khi đó, các đối thủ của chúng ta đều đã trình làng một thế hệ cầu thủ trẻ thực sự tài năng, đặc biệt là Indonesia và Malaysia.
“SAI ĐÂU SỬA Ở ĐÓ”
Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để đứng dậy sau cú sốc?
- Việc đầu tiên mà chúng ta phải làm ngay, đó là giúp các cầu thủ trẻ có điều kiện được thi đấu thường xuyên. Hạn chế cầu thủ ngoại ở V.League và tiến tới, giải hạng Nhất chỉ có cầu thủ nội là cần thiết. Phải khẳng định rằng, ngoại binh đã giúp các giải đấu quốc nội hấp dẫn hơn, bản thân các cầu thủ nội cũng có điều kiện cọ xát, nâng cao kinh nghiệm. Nhưng có một thực tế là các đội bóng thường nghĩ đến quyền lợi của mình trước khi nghĩ đến những vấn đề khác. Hệ quả là các cầu thủ nội, đặc biệt là những người chơi ở tuyến tiền đạo có rất ít cơ hội vào sân. VFF cần xây dựng cho được một quy chế bắt buộc đăng ký và sử dụng một cơ số cầu thủ trẻ nhất định trong một trận đấu ở V.League.
Còn gì nữa không, thưa ông?
- Như tôi đã nói, gốc rễ của mọi nền bóng đá là công tác đào tạo trẻ. Giờ là lúc chúng ta phải nghĩ đến chiến lược trồng người một cách quyết liệt. Tôi nghĩ, VFF cần kiên quyết hơn trong việc yêu cầu các CLB có hệ thống đào tạo trẻ. Bên cạnh đó, chúng ta cần có những chính sách và cơ chế để khuyến khích, bảo vệ quyền lợi của những trung tâm đào tạo trẻ. Không thể có chuyện, một trung tâm đào tạo 10 năm mới có được một cầu thủ, chưa sử dụng được bao lâu đã bị một “đại gia” nào đó dùng tiền giật mất.
Bên cạnh đó, cần phải ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào công tác đào tạo trẻ, bởi như vậy chúng ta mới có được những thế hệ cầu thủ đủ khả năng hội nhập. Nhưng tôi cho rằng, mọi chính sách, mọi lời kêu gọi không hiệu quả bằng sự tự nguyện, ý thức vì sự nghiệp chung của các ông bầu. Nếu họ thật sự nghĩ đến một nền bóng đá chuyên nghiệp, cảm thấy có trách nhiệm với NHM thì tôi tin rằng, bài toán về đào tạo trẻ sẽ có lời giải. Bóng đá Việt Nam rất cần những người như ông Đoàn Nguyên Đức, người luôn nghĩ đến sự phát triển có chiều sâu thay vì cách làm bóng đá kiểu ăn xổi, đổ thật nhiều tiền để mua thành công ngay tức thì mà không nghĩ đến chiến lược tạo nguồn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Bongdaplus.vn