
Góc nhìn: Khi Premier League và La Liga phải rượt đuổi
Man United đang cạnh tranh quyết liệt với Bayern để sở hữu Robert Lewandowski. Chelsea bị Monaco hạ đo ván trong cuộc chạy đua giành chữ ký của Radamel Falcao. Gareth Bale vẫn chưa thể quyết định sẽ tới La Liga, ở lại Premier League hay là đến với những đồng euro sực mùi dầu mỏ ở PSG.
Ngay cả Leverkusen cũng đã vượt mặt Arsenal và Tottenham để có được Son Heung-min, “con gà đẻ trứng vàng mới” của bóng đá châu Á...
Còn rất nhiều ví dụ tương tự cho một cuộc chạy đua giữa 2 giải đấu từng có thời nghèo kiết xác với những kẻ giàu có hơn mình. Chỉ mới vài năm trước, Ligue 1 và Bundesliga còn là địa chỉ “hot” để Premier League và La Liga, những giải đấu lắm tiền nhiều của tìm đến khi họ muốn mua những món hàng giá rẻ. Nhưng có vẻ thời thế đã đổi thay. Bundesliga và Ligue 1 đang sòng phẳng cạnh tranh với những đại gia đến từ Anh hay Tây Ban Nha trên TTCN.

Thay vì Premier League, Falcao đã chọn Ligue 1 là nơi thử sức tiếp theo
Tại sao phải đến Premier League? Ở đó, áp lực cạnh tranh là rất lớn, triển vọng thành công thì cũng chẳng có nhiều, thực tế của mùa giải vừa qua đã chứng minh, cái thời mà Premier League vượt trội ở châu Âu đã qua. Hầu như tất cả những ông lớn nước Anh đều đang phải trải qua một cuộc tái cơ cấu, chưa rõ có thành công hay không? Bundesliga có một môi trường “dễ thở” hơn, khả năng thành công tại đấu trường châu Âu cũng chẳng thấp.
Về tiền bạc thì Premier League cũng chẳng còn lợi thế của ngày xưa. Luật công bằng tài chính không cho phép những CLB của giải đấu này chi quá nhiều tiền nữa. Trong khi đó, ở Ligue 1, tỷ phú Rybolovlev của Monaco và giới chủ Qatar của PSG không hề có ý định dừng lại.
Hai ông lớn Tây Ban Nha cũng không còn ánh hào quang quá khứ. Các ngôi sao hàng đầu đã nhận ra rằng, nếu họ không được ăn tập bóng đá trong cái tòa nhà mang tên La Masia ở ngoại ô Barcelona, thì khả năng lụi tàn tại Nou Camp là rất cao. Còn Real Madrid thì vẫn là cái “lò xay” tài năng trứ danh của bóng đá châu Âu. Và cũng giống Premier League, họ không dám “đốt tiền” như trước nữa.
Tất nhiên, trên bàn đàm phán, nhưng Real, Barca, M.U, Chelsea vẫn có chút lợi thế. Nhưng việc nhiều cầu thủ sẵn sàng lắc đầu với họ để đến Ligue 1 hay ở lại Bundesliga đã không còn là chuyện hiếm.
Câu chuyện trên TTCN cũng phản ánh cục diện của các giải đấu. Cái thập kỷ mà Pháp và Đức đóng vai “kẻ chầu rìa” của các đấu trường châu Âu, chứng kiến người Anh và Tây Ban Nha làm mưa làm gió dường như cũng đã qua. Cũng đang có một cuộc cạnh tranh sòng phẳng trên đường hướng tới các danh hiệu cấp châu lục.
