Bóng đá Nhật và con đường học theo Brazil: Thân Nhật Bản, hồn Brazil
GIẤC MƠ SUBASA
Bóng đá Nhật Bản đến với người Việt Nam từ khá sớm, từ những năm 1980 thông qua một con đường khá thú vị: Bộ truyện tranh nổi tiếng Subasa của tác giả Takahashi Yoichi. Những người từng đọc bộ truyện bóng đá này chắc vẫn còn nhớ chi tiết: Nhân vật chính Subasa, một cầu thủ trưởng thành từ giải bóng đá cấp trường học, đã may mắn lọt vào mắt xanh của một cựu cầu thủ Brazil sang Nhật Bản tìm kiếm tài năng.
Chú nhóc Subasa sau đó được gửi sang Brazil phát triển tài năng, rồi trở về đóng góp cho ĐTQG Nhật Bản. Đó là một câu chuyện hư cấu, nhưng tác giả Yoichi dựa hoàn toàn trên một xu thế có thực của bóng đá Nhật Bản vào thời điểm đó: Phát triển theo phong cách của bóng đá Brazil – con đường mà người Nhật theo đuổi từ những ngày đầu tiên làm bóng đá chuyên nghiệp.
Xu thế này thịnh hành tới mức có một thời gian, nhật báo nổi tiếng Yomiuri Shimbun từng trích dẫn một câu nói rất nổi tiếng của những người Nhật sống tại Brazil như sau: “Ở Brazil, nếu bạn không phải là một cầu thủ giỏi, người ta sẽ gọi bạn là… người Nhật”. Câu nói này ám chỉ sự yếu kém của những cầu thủ Nhật trong vài năm đầu họ đến với làng túc cầu Brazil. Nhà báo người Nhật làm việc tại Brazil, anh Yujinishi khẳng định, khái niệm này đã biến mất. Nó chứng tỏ sự phát triển thần tốc về chất lượng cầu thủ Nhật Bản sang Brazil học nghề rồi trở về phục vụ Tổ quốc.
SỰ GIAO THOA TỪ VĂN HÓA ĐẾN BÓNG ĐÁ
Theo thống kê của nhật báo Yomiuri Shimbun, mỗi năm, Nhật Bản gửi khoảng 800 cầu thủ trẻ ra nước ngoài đào tạo, và 1/3 trong số đó được gửi tới Brazil. Khi đặt câu hỏi: Tại sao người Nhật chọn Brazil làm nơi đào tạo cầu thủ cho bóng đá chuyên nghiệp, rất nhiều câu trả lời tìm đến chung một cái đích: Ở Brazil, cầu thủ được phát triển kỹ năng trước rồi mới đến chiến thuật. Nó giúp cho các cầu thủ Nhật Bản hoàn thiện các tố chất tiềm ẩn rất nhiều, sau đó mới trở về quê nhà bồi đắp thêm kiến thức về chiến thuật.
Hơn thế nữa, giữa Nhật và Brazil có mối quan hệ giao thoa rất lớn về cả văn hóa lẫn lịch sử. Từ những năm 1920-30 đã có rất đông người Nhật sang Brazil sinh sống và làm việc. Xu thế này biến Brazil trở thành bến đỗ lớn nhất thế giới của những người Nhật sinh sống ở nước ngoài (hiện có khoảng 1,4 triệu người Nhật sống ở Brazil).
Và điều quan trọng: Người ta cảm thấy, tố chất của người Nhật có khá nhiều nét mà buộc phải sang Brazil mới có thể phát triển. Đó là sự khéo léo của đôi chân, tư duy cá nhân và sự ngẫu hứng trong lối chơi.
Ở đường ngược lại, Nhật Bản cũng trở thành điểm đến ưa thích của những cầu thủ Brazil thích phiêu lưu ở nước ngoài. Brazil cũng chính là quốc gia đóng góp nhiều cầu thủ nước ngoài nhất cho giải VĐQG Nhật Bản. Có thể nhanh chóng kể đến những cái tên rất nổi tiếng như: Amoroso – CLB Verdy Kawasaki (1992-1993), Zico - Kashima Antlers (1993-1994), Bebeto - Kashima Antlers (2000), Dunga - Jubilo Iwata (1995-1998), Ze Roberto - Kashiwa Reysol (2004) hay Hulk Tokyo Verdy (2007-2008)… Ngay ở thời điểm hiện tại, BTC giải VĐQG Nhật Bản J-League cũng thống kê được có khoảng 40 cầu thủ Brazil đang góp sức cho các CLB xứ sở hoa anh đào.
Ze Roberto
Sự giao thoa khá rõ nét giữa 2 nền bóng đá mang đến cho NHM một cảm giác: Dù ĐT Nhật Bản vào thời điểm hiện tại đang được dẫn dắt bởi một HLV người Italia, các cầu thủ chủ chốt hầu như thi đấu ở châu Âu, nhưng phong cách và tư duy của họ vẫn đậm đặc người Brazil. Kỹ thuật xử lý bóng, cách triển khai một pha tấn công, dứt điểm và ngay cả xu thế biểu diễn cá nhân của ĐT Nhật Bản đang được kế thừa và phát huy từ những bài học của Kazu Miura, của Dunga, Zico, Ruy Ramos… Một ĐT Nhật Bản mang hình hài của người Nhật, nhưng phần hồn của Brazil.
Tính đến hết mùa giải 2012/13, có tổng cộng 133 cầu thủ Brazil đã và đang thi đấu tại Nhật Bản, con số vượt trội hoàn toàn so với 46 cầu thủ Argentina, 2 cầu thủ Bolivia và 15 cầu thủ Paraguay từng chọn Nhật Bản làm bến đỗ.
BẠN CÓ BIẾT?
Nhật Bản hiện đang nắm giữ một kỷ lục tại Confed Cup: Đóng góp một trong những cầu thủ lớn tuổi nhất góp mặt tại giải đấu này. Thú vị hơn khi biết, kỷ lục đó do một cầu thủ Brazil nhập tịch Nhật nắm giữ: Guy Ramos. Ông dự Confed Cup 1995 (khi đó tên là King Fahd Cup) khi đã 37 tuổi và 10 tháng.