Lối chơi của Nhật Bản: Zaccheroni có quá nhiều mũi giáp công
ĐI LÊN CÙNG ZACCHERONI
Nhật Bản là ẩn số thú vị tại Confederations Cup 2013. Những ai từng nghi ngờ sức mạnh của nền bóng đá xứ sở mặt trời mọc hẳn sẽ phải suy nghĩ lại khi chứng kiến Nhật Bản trở thành đội bóng đầu tiên giành vé dự VCK World Cup 2014. ĐT Nhật Bản hiện nay là sự tổng hòa của lối chơi tập thể nhuần nhuyễn cùng dấu ấn cá nhân từ các ngôi sao. Thành công đó mang đậm dấu ấn của Alberto Zaccheroni, sau 3 năm miệt mài làm việc trên xứ sở mặt trời mọc.
Zaccheroni bắt đầu tiếp quản ĐT Nhật Bản kể từ sau World Cup 2010. Thời điểm đó, đội tuyển của xứ sở hoa anh đào bước vào giai đoạn chuyển giao thế hệ. Những người hùng một thời như Shunsuke Nakamura, Yuji Nakazawa hay Daisuke Matsui… đã luống tuổi. Tình hình đó buộc Zaccheroni phải nhanh chóng tìm kiếm những nhân tố mới.
Sau nhiều tháng tìm tòi khắp các sân bóng trên đất nước Nhật Bản, Zaccheroni cũng đưa đội tuyển xứ sở hoa anh đào chuyển giao thế hệ một cách nhẹ nhàng. Tại Asian Cup 2011, Nhật Bản lên ngôi bằng một đội hình trẻ trung. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu quá trình nâng tầm của bóng đá xứ sở mặt trời mọc.
ĐỪNG XEM THƯỜNG NHẬT BẢN!
ĐT Nhật Bản hiện nay là đối thủ đáng gờm với bất cứ đội bóng nào. Trước khi Confederations Cup khai màn, huyền thoại Pele đã cảnh báo Brazil về sự nguy hiểm của đại diện châu Á: “Mọi người thường nói sẽ dễ dàng cho Brazil khi gặp một đội tuyển không có bề dày truyền thống như Nhật Bản, nhưng tôi không nghĩ thế. Họ thực sự là đối thủ khó chơi”.
Đúng như Pele phân tích, Nhật Bản là đội bóng rất khó lường. Họ thường ra sân với sơ đồ 4-2-3-1 nhưng cách họ tiếp cận trận đấu rất đa dạng tùy thuộc vào từng đối thủ khác nhau.
Một điểm dễ nhận thấy của Nhật Bản là họ có thể chuyển đổi rất nhanh từ thế trận phòng ngự sang tấn công nhờ sự cơ động và nhãn quan chiến thuật cực tốt của cặp tiền vệ trung tâm Hasebe và Endo. Mỗi khi giành lại bóng, các cầu thủ ở tuyến trên thường di chuyển rất nhanh để đón đường chuyền của bộ đôi này.
Nhìn chung, ĐT Nhật Bản có tiềm lực tấn công rất lớn. Ryoichi Maeda là cầu thủ thường được bố trí chơi cao nhất trên hàng công. Hỗ trợ phía sau anh là bộ ba Okazaki - Honda - Kagawa. Đặc điểm nổi trội của hệ thống tấn công trên là thi đấu sáng tạo và chuyền bóng rất tốt. Ngoài ra, rất khó để biết đâu là mũi tấn công chủ đạo của đội tuyển xứ sở mặt trời mọc. Vì thế càng có lý do để nói Nhật Bản là ẩn số thú vị tại Confederations Cup 2013.
Dù không thường xuyên chơi cao nhất trên hàng công, nhưng Shinji Okazaki lại đang là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong số 23 cầu thủ Nhật Bản tham dự Confederations Cup 2013 với 33 lần lập công.