Sáng hôm sau trận bán kết, khi thức dậy, nhiều người Brazil lắc đầu và hy vọng rằng những gì đã thấy đêm qua chỉ là cơn ác mộng chứ hôm nay trận Brazil-Đức mới diễn ra. Thế nhưng, khi liếc lên tờ báo đầu tiên vớ được, ho lập tức tỉnh hẳn. Không phải là mộng mà là thật. Đội bóng của họ đã bị những kẻ đến từ bên kia bờ Đại Tây dương vùi dập không thương tiếc.
Chẳng phải mọi tờ báo, mọi chương trình truyền hình và mọi website đã nói thế sao! Trận chiến ở Mineirazo, như cách họ gọi về nơi đã diễn ra trận đấu để nhắc người ta về nỗi nhục nhã hồi 64 năm trước khi Brazil mất chức vô địch về tay đội Uruguay.
Lúc đó người ta gọi sân Maracana là Maracanazo. Bây giờ cũng thế, sân Mineirao trở thành sân Mineirazo. “Nỗi ô nhục lớn nhất của tất cả nỗi ô nhục”, “Cú sốc của lịch sử” và “Sự hổ thẹn lớn nhất trong lịch sử”, đó là các tít lớn mà người ta thấy trên trang nhất những tờ báo lớn nhất Brazil.
Vậy mà mới hôm qua đây thôi, người Brazil đã trông mong trận đấu đó biết bao. Cư dân ở Sao Paolo cũng như mọi thành phố khác ở Brazil dù đi đâu cũng vội vã quay về nhà đúng giờ, để đảm bảo khi trận đấu bắt đầu thì họ đã ấm chỗ trước màn hình tivi.
Đến 5 giờ chiều, thành phố vắng hoe và khi trận đấu bắt đầu, hầu như không còn ai trên những con phố. Thế nhưng nỗi háo hức chỉ kéo dài được vài phút. Đội Đức ghi bàn đầu tiên và khi trận đấu trải qua được nửa tiếng, mọi hy vọng đã vỡ vụn. Khi trận đấu kết thúc bầu không khí thê lương xuất hiện ở mọi nơi.
Người Brazil không thể tin được trước thất bại thê thảm của đội nhà
Đội chủ nhà vẫn còn 1 trận đấu nữa, gặp Hà Lan để tranh bộ HCĐ, nhưng có gì mà tự hào với điều đó. Có mặt trong trận chung kết mà thua cũng là điều không thể chấp nhận được, nói gì đến HCĐ. Hệ quả của thất bại ở bán kết sẽ còn ảnh hưởng đến mọi mặt trong xã hội Brazil – chinh trị, kinh tế, xã hội, văn hóa – bởi đây là đất nước duy nhất trên thế giới mà bóng đá phản ánh mọi thứ trong đời sống.
Nhiều người cho rằng thất bại của đội tuyển Brazil sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tái đắc cử của bà Rousseff khi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 10 tới. Thế nhưng, các cố vấn của bà đã trấn an là điều đó sẽ không xảy ra, bởi Brazil đã thất bại tại World Cup các năm 1998 và 2006, 2010 nhưng tình hình chính trị đất nước vẫn ổn định, và ứng viên đáng thắng ở cuộc bầu cử vẫn thắng. Theo họ, ai ủng hộ Tổng thống Rousseff vẫn sẽ ủng hộ bà.
Thế nhưng, họ đã cố tình quên đi chuyện World Cup 2014 diễn ra ở Brazil chứ không phải Đức hay Nam Phi. Chính quyền của bà Rousseff đã chi nhiều tỷ USD để tổ chức World Cup này, tất cả đều đến từ tiền người dân đóng thuế, nếu không đủ thì vay thêm từ nước ngoài.
Chỉ vài ngày nữa, các đội bóng có mặt ở bán kết sẽ về nước, chiếc Cúp vàng sẽ bay về Buenos Aires hoặc Bonn. Ông Sepp Blatter và đoàn tùy tùng hùng hậu của mình sẽ trở về Thụy Sỹ và tài khoản của FIFA ở ngân hàng Zurich sẽ tăng thêm hàng tỷ USD mà ngân sách Brazil sẽ không được gì. Bà Rousseff đã hứa sẽ miễn mọi khoản thuế cho FIFA trong mọi hoạt động liên quan đến World Cup.
Chỉ còn người Brazil ở lại với nỗi buồn bóng đá và nỗi lo về cuộc sống tương lai. Phe đối lập sẽ tận dụng cơ hội này để đả phá chính sách của bà Rousseff. Romario sẽ nói: “Tôi đã cảnh báo điều này rồi mà bà ta có chịu nghe đâu!”. Cựu danh thủ từng là người hùng của đội tuyển Brazil tại USA 94, nhiều lần nói “khi người dân còn quá thiếu bệnh viện và trường học mà chi đến hàng tỷ USD để xây các sân bóng là tội ác”.
Lúc đó, nhiều người “kết án” Romario là không yêu nước. Bây giờ thì không chỉ Romario mà rất nhiều người khác lo cho tương lai. World Cup lần tới sẽ diễn ra tại Nga vào năm 2018. Lúc đó cả nước Brazil sẽ lại rộn ràng bàn về khả năng đội tuyển của mình đoạt chức vô địch. Nhưng trong thời gian 4 năm từ đây đến lúc đó, người dân nghèo Brazil sẽ phải sống trong cảnh chẳng màng đến tương lai…