Chờ Messi vĩ đại, theo cách của Messi!
* Nhật ký World Cup ngày 12/7
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
3 bộ mặt của “số 10”
Định mệnh đã gắn hai “số 10” vĩ đại nhất mà bóng đá Argentina từng sản sinh ra với người Đức. Maradona từng lên tới đỉnh cao vinh quang (World Cup 1986) và xuống tận đáy cùng thất vọng (World Cup 1990) với những người Đức. Messi có “lên đỉnh” hay “xuống đáy” sau World Cup 2014 thì cũng là với những người Đức. Việc Đức là đối thủ trong 3 trận chung kết World Cup gần nhất của Argentina càng khiến người ta có lý do để xoáy đi xoáy lại câu hỏi quen thuộc: Messi 2014 sẽ là Maradona nào? Maradona lên đỉnh năm 1986, hay Maradona xuống đáy năm 1990?
Thực ra, nói Maradona năm 1990 xuống đáy là không hoàn toàn chính xác. Khi giải đấu ở Italia diễn ra, Maradona vẫn là cầu thủ số một thế giới; cách đó vài tháng, anh còn vô địch Serie A lần thứ hai với Napoli. Nhưng chấn thương mắt cá đã khiến Maradona không thể hiện được nhiều. Thiếu vắng ma thuật của Diego, Argentina lê lết vượt qua vòng bảng, và cuối cùng cũng có mặt ở chung kết sau 2 màn “đấu súng” liên tiếp. Kỳ World Cup ấy, Argentina được nhớ đến bởi lối chơi bạo lực khiến họ mất 4 người trước trận chung kết và trong trận bị đuổi thêm 2 người nữa, chứ không phải bởi sự bùng nổ của “số 10” vĩ đại.
Do đó, kể cả khi Argentina không thể vô địch World Cup 2014, thì vẫn là sai lầm nếu nói rằng họ là phiên bản của Argentina 1990, và Messi là phiên bản của Maradona 1990. World Cup năm nay, Messi có thể không bùng nổ như kỳ vọng, song anh vẫn là cầu thủ quan trọng nhất của Argentina, và là một trong những cầu thủ hay nhất giải. Vì lợi ích của đội bóng, Messi đã từ bỏ vai trò người kết thúc quen thuộc ở Barca để lùi xuống chơi như một đạo diễn ở giữa sân. Dù vậy, anh vẫn ghi dấu ấn với 4 bàn thắng siêu đẳng, và đường chuyền quyết định để Di Maria hạ Bỉ ở tứ kết.
“Hy sinh” cũng là khác biệt lớn giữa Messi 2014 và Maradona 1986. Những màn trình diễn đầy cảm xúc đã giúp che giấu một bộ mặt khác, rất xấu xí, của Maradona ở giải đấu trên đất Mexico. Những rắc rối với đàn bà, ma túy, và cả mafia, được bỏ qua. Không ai nói về việc anh hiếm khi đi ngủ trước nửa đêm như quy định. Không ai nói về việc anh đòi mang theo HLV và chuyên gia thể lực riêng. Tất nhiên cũng có người khó chịu, nhưng chẳng ai dám lên tiếng, chừng nào Maradona còn tỏa sáng.
Messi cũng tỏa sáng, nhưng anh không khiến HLV và đồng đội phải khó chịu như thế. Anh cũng không xem World Cup là show diễn của bản thân, và bắt cả đội phải phục vụ...
Vĩ đại, theo cách của Messi
Suốt một thời gian dài, Messi đã phải khổ sở sống cuộc sống dưới cái bóng của Maradona. Người ta dường như không thể không nhắc tới Maradona mỗi khi nói về Messi trong màu áo đội tuyển Argentina. Việc Argentina vào tới chung kết và gặp Đức ở đó chỉ càng khiến cho “vấn đề” trở nên thêm tồi tệ.
Nhưng có một thực tế là dù có vô địch World Cup 2014, Messi cũng không bao giờ thay thế được hình ảnh của Maradona trong tim những người Argentina. Không ai có thể! Và còn một thực tế khác: Messi không mảy may có ý định làm điều đó. Anh không bị ám ảnh bởi cái gọi là “phế ngôi Maradona” như một số “chuyên gia” vẫn ra rả mỗi ngày. “Được so sánh với Diego chẳng có gì tệ, nhưng đó không phải là động lực để tôi vô địch World Cup”, Messi nói, “Tôi muốn vô địch World Cup, đơn giản vì đó là điều tuyệt vời cho người dân nước tôi”.
Nếu Argentina thắng trong trận chung kết sắp tới (14/7), Messi sẽ trở nên vĩ đại. Nhưng anh không vĩ đại theo kiểu “sánh ngang với Maradona”. Anh vĩ đại theo cách của anh. Cách của Messi!