Brazil & cuộc cách mạng sau ngày tận thế
* Nhật ký World Cup ngày 12/7
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
TỪ “VỤ HIROSHIMA” ĐẾN “NGÀY TẬN THẾ”
Chứng kiến đội nhà gục ngã với tỷ số 1-2 trước Uruguay trong trận chung kết World Cup 1950 ở sân Maracana, Nelson Rodrigues - một phóng viên kiêm nhà biên kịch Brazil - đã mô tả thất bại này như “một thảm họa quốc gia, vụ Hiroshima của chúng ta”. Hơn nửa thế kỷ sau, trận thua Đức 1-7 ở bán kết World Cup 2014 tại sân Mineirao thậm chí còn bị coi là “ngày tận thế” của xứ sở Samba.
Vấn đề không phải chuyện đây là thất bại đậm nhất của Brazil kể từ trận thua... Uruguay 0-6 năm 1920. Thay vào đó, là việc đội chủ nhà bị đánh bại quá dễ dàng trước những cầu thủ Đức trội hơn hẳn về tốc độ và kỹ thuật. Và để xát thêm muối vào vết thường, kình địch Argentina của Selecao đã giành quyền vào chơi trận chung kết với Mannschaft.
Màn hủy diệt của người Đức khiến các CĐV chủ nhà sốc nặng. Bởi không quốc gia nào trên thế giới có mối liên hệ đặc biệt với bóng đá như họ: Brazil đồng nghĩa với bóng đá, và nhắc tới bóng đá là nói tới Brazil. Và như nhà nhân loại học Roberto DaMatta từng phân tích, bóng đá giúp họ “tích lũy sự tự tin mà không một lĩnh vực nào sánh được”. Để hiểu rõ hơn: Brazil đã 5 lần vô địch World Cup, nhưng chưa từng giành giải Nobel.
Vì vậy, Rodrigues có lý do để so sánh trận thua Uruguay năm 1950 với thảm họa Hiroshima ở Nhật Bản. Bởi Brazil thực tế chưa bao giờ phải lo lắng về một hiểm họa tương tự. Nhờ sự ôn hòa và cả may mắn, Brazil gần như không phải đối mặt nguy cơ chiến tranh, khủng bố hay sự căng thẳng về sắc tộc và tôn giáo.
KHI BÓNG ĐÁ KHÔNG CÒN LÀ ĐIỂM TỰA
Khi giành quyền đăng cai World Cup 2014 và cả Olympic 2016, cựu Tổng thống Brazil, Lula da Silva muốn nhấn mạnh rằng quốc gia này còn có nhiều lý do khác để tự tin thay vì bóng đá. Giải đấu sẽ cho tất cả thấy diện mạo của nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, của nền dân chủ và những tiến bộ trong việc giảm đói nghèo và sự bất công xã hội. Tuy nhiên, nó đã đem lại tác dụng ngược.
Nền kinh tế sa sút khi lạm phát ở mức 6,5%. Con số 11 tỷ USD (có nguồn là 14 tỷ) ngân sách chi cho việc xây dựng các SVĐ phục vụ World Cup từng châm ngòi cho những vụ biểu tình hồi năm ngoái về nhiều vấn đề, từ dịch vụ xã hội nghèo nàn, nạn tham nhũng cho đến sự tắc trách của giới cầm quyền. Thế nhưng giải đấu đã diễn ra suôn sẻ hơn dự tính. Giao thông không đình trệ như lo ngại, biểu tình không còn lan rộng và các CĐV thực sự được sống trong không khí lễ hội.
Đó là bởi bóng đá đã hàn gắn tất cả. Khi giải đấu bắt đầu, cả đất nước Brazil cùng dõi theo trái bóng Brazuca, từng trận đấu của thầy trò HLV Felipe Scolari và cùng chia sẻ nỗi đau của Neymar. Nhưng sau thảm kịch Mineirazo, bóng đá đã không còn là điểm tựa. Và mọi vấn đề được giấu kín trong những SVĐ mới đẹp lung linh bắt đầu vỡ ra.
Những cam kết tăng lương và việc làm của Tổng thống Dilma Rousseff đã không còn giá trị. Theo những khảo sát mới đây, có tới 60-70% muốn thay đổi khi đảng Lao động trung tả của bà Rousseff đã cầm quyền suốt 12 năm qua. Và người Brazil cũng muốn thay đổi cả nền bóng đá, vốn bị ảnh hưởng bởi các quan chức tham nhũng và một giải VĐQG bị điều hành tệ hại.
Giờ không phải lúc sống trong vinh quang quá khứ, hay giấu nhẹm những mâu thuẫn sau trái bóng nữa. Sau “ngày tận thế”, Brazil đang cần cách điều hành mới và những ý tưởng mới, cả trong lẫn ngoài sân cỏ.