Chung kết Đức vs Argentina: Sẽ có kịch bản khó lường!
* Nhật ký World Cup ngày 11/7
TIẾNG NÓI LỊCH SỬ
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
TIẾNG NÓI LỊCH SỬ
Đức đối đầu Argentina là sự lặp lại của trận chung kết World Cup 1990 tại Rome. Trận đấu đó diễn ra rất tẻ nhạt, kết thúc với tỷ số 1-0 nghiêng về Đức bởi một quả phạt đền gây tranh cãi sau khi Roberto Sensini phạm lỗi với Rudi Voeller. Andreas Brehme sút thành công, sau một tình huống ngoài dự tính: người lẽ ra phải thực hiện là Lothar Matthaeus bỗng linh tính sẽ sút hỏng nên nhường cho Brehme. Đó là một chi tiết đã đi vào huyền thoại World Cup, là điều đáng nhớ duy nhất trong một trận đấu không có gì đáng nói về chuyên môn.
Trận đấu năm ấy, Argentina nhập cuộc trong tư thế “què quặt” với 4 cầu thủ bị treo giò, mất thêm 2 người vì chấn thương trong hiệp 1, sau đó mất thêm 2 người nữa vì thẻ đỏ. Cả trận, Argentina chỉ có 1 pha dứt điểm về khung thành Đức. Ý đồ của họ thật rõ: đưa trận đấu đến loạt sút luân lưu, thể thức mà Argentina đã 2 lần chiến thắng ở các trận trước đó tại Italia ‘90. Đó cũng là kỳ World Cup có số bàn thắng ít kỷ lục (trung bình 2,2 bàn/trận). Hàng triệu fan trên thế giới xứng đáng được chiêu đãi một bữa tiệc thịnh soạn hơn hẳn, nhưng điều đó không xảy ra ở 24 năm trước. Liệu năm nay, khi Đức tái ngộ Argentina, lịch sử có lặp lại?
KHÓ LƯỜNG!
Argentina tiến vào trận chung kết sau khi hòa 0-0 với Hà Lan sau 120 phút, sau đó thắng ở loạt sút luân lưu (4-2). Ở 5 trận trước đó, Albiceleste đều thắng với cách biệt duy nhất 1 bàn (trong đó có 3 trận thắng 1-0), dù trong đội hình có những cầu thủ tấn công vào loại hay nhất hành tinh như Messi, Aguero, Higuain, Di Maria…
Argentina sẽ thể hiện bộ mặt nào ở trận chung kết, không ai biết vì vào lúc này họ có thể tấn công rực lửa, song cũng có thể chơi trò đánh du kích khiến đối thủ chới với. Trong khi đó, Đức dù vừa ghi 7 bàn vào lưới Brazil, nhưng tiền đạo Miroslav Klose nói rằng, Mannschaft đã chuẩn bị sẵn phương án đá luân lưu sau 120 phút kết thúc với tỷ số 0-0, vì “ở trận chung kết, đội nào cũng sợ thua hơn là muốn thắng. Nếu bị dẫn bàn rất khó gỡ”.
KỊCH TÍNH KIỂU NÀO?
Cả 3 trận chung kết World Cup gần nhất đều không có quá 2 bàn/trận. Tuy nhiên, trận chung kết cách đây 4 năm khá căng thẳng vì 2 đội ngang ngửa, số cơ hội được tạo ra không ít. Tây Ban Nha chỉ thắng 1-0 nhờ bàn thắng của Andres Iniesta ở phút 116 vào lúc mà cả thế giới đã chờ đợi loạt “đấu súng” trên chấm luân lưu, tương tự những gì diễn ra ở kỳ World Cup trước đó (Italia thắng Pháp năm 2006 nhờ sút luân lưu 11m).
Sự thận trọng bóp chết sự sáng tạo và tính mạo hiểm, tính chất quá quan trọng của trận đấu tranh Cúp Vàng thường khiến ngay cả các siêu sao lớn nhất cũng không phát huy được mình. Messi chưa ghi bàn nào kể từ sau khi góp 4 bàn cho đội nhà ở vòng bảng, nhưng hãy cứ hy vọng anh sẽ bừng sáng đúng đẳng cấp. Về phía Đức, mỗi cầu thủ đều là ngôi sao, dù là thủ môn Manuel Neuer cũng vậy. Xét tương quan 2 đội, hãy hy vọng Đức sẽ chơi cống hiến hơn.
Ở trận bán kết Argentina-Hà Lan, Messi không chạm bóng lần nào trong vùng 16m50 của đối phương trong 120 phút! Khả năng phòng ngự của Hà Lan đã phong tỏa gần như hoàn toàn Messi. HLV Joachim Loew của Đức nói ông sẽ mổ băng nghiên cứu kỹ điều này.