
Lăng Kính: Người Anh & bài học về thái độ khi thất bại
1. Lượt thứ 3 vòng bảng Champions League là một ác mộng với người Anh. Đêm thứ Ba, họ đón thất bại của Chelsea. Đêm thứ Tư, cả Arsenal lẫn Man City mang lại cho xứ sương mù một cú đúp thất trận. Những kết quả đó đã để lại di chứng gì cho Premiership hôm nay?
Ngay sau thất bại của Chelsea, truyền thông Anh quốc lập tức nhắc đến chuyện “mua Willian” của Shakhtar Donetsk như một “ca cấp cứu” (SOS). Có lẽ, họ nghĩ rằng mua kẻ mạnh nhất của đối thủ sẽ khiến đối thủ suy yếu trong khi mình trở nên vững vàng hơn.
Ở Man City, Mancini nói về sự “thiếu chuẩn bị” cho Champions League và sự “non trẻ” của đội bóng cũng như cầu thủ. Có lẽ, Mancini chưa nguôi cảm giác không được mua ai đó cho ra trò ở mùa Hè lẽ ra cần sôi động vừa rồi thì phải.
Còn ở Arsenal, không chỉ đợi đến trận thua Schalke 04 mà ngay từ sau khi Arsenal thua Chelsea và tiếp đó là trận thua Norwich vừa qua, mua một ai đó vào mùa Đông tới lập tức đã thành chủ đề.
Văn hóa của Premiership phải chăng là vậy, là thái độ phản ứng với thất bại bằng cách “mua một ai đó” để bù lấp cả nỗi buồn lẫn sự thiếu hụt đôi khi mang tính tưởng tượng?

Ajax lâu lắm rồi, phải gần 20 năm, không làm nên trò trống gì ở Champions League nhưng họ vẫn tồn tại như một CLB vững chắc từ hạ tầng cho đến thượng tầng nhờ vào lò đào tạo đầy truyền thống của mình. Tất nhiên, một chiến thắng trước Man City không đảm bảo là Ajax mạnh hơn Man City, song xét về tổng thể của một cấu trúc phát triển bền vững, ta dễ đặt niềm tin vào những CLB như Ajax hơn là Man City, dù cho Mansour cũng muốn biến Man City thành một trung tâm đào tạo lớn.
3.Câu chuyện tương tự với Dortmund. Họ đã bán một trong những cầu thủ tốt nhất của mình là Kagawa cho M.U ở mùa Hè vừa rồi. Nhưng họ không bị tổn thương quá nhiều vì thương vụ ấy. Cùng điểm đến với Kagawa là Van Persie của Arsenal. Nhưng xem ra, sự tổn thương của Arsenal nặng nề hơn nhiều.
Tại Dortmund, những khởi đầu không tốt ở Bundesliga không bị lôi ra bài bác vì lý do bán cầu thủ. Người Đức cảm thông nhiều hơn cho Dortmund, và hơn hết, họ tin rằng Dortmund chỉ cần thời gian để các cầu thủ mới hòa nhập tốt. Đó là một thái độ Dortmund cần sau khi họ thất bại trước Schalke 04, trước Hamburg và tụt lại khá sâu so với Bayern. Điều đó khiến khách quan cũng tin rằng, kể cả Dortmund có bán Goetze đi nữa, họ chưa chắc đã lao đao…
Thái độ tích cực nhìn vào một thất bại ấy dường như không tồn tại ở Anh. Tại Arsenal, Wenger và BGĐ đang muốn CLB của mình đi theo hướng bền vững, như Ajax, như Dortmund, như các CLB truyền thống lâu đời của châu Âu. Nhưng thái độ chung của người Anh khi nhìn vào các thất bại của Arsenal lại mang tính tiêu cực. Họ đổ lỗi cho chính sách bán ngôi sao, cho chính sách hà tiện (mà thật ra phải gọi là quản lý tài chính khoa học).
Đơn giản, với người Anh, họ nhìn vào thành tựu qua lăng kính thành tích. Còn người Đức, người Hà Lan, họ nhìn vào thành tựu qua quá trình.
Thế mới hiểu, cái bóng đá Anh cần nhất hôm nay chính là một thái độ khi nhìn vào thất bại…