
1. Năm 2006, khi làn sóng đầu tư của giới chủ nước ngoài ở Premiership đang lên đến đỉnh điểm, với việc Chelsea, M.U, West Ham và Aston Villa vừa được bán trước đó, còn Liverpool cũng chuẩn bị “ra đi”, nhật báo nổi tiếng Independent có làm một cuộc điều tra về giá trị chính xác của một CLB Anh.
Họ tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà môi giới, nhà phân tích kinhtế và cả những nguồn tin nội bộ của các CLB. Cái giá duy nhất mà tất cảđều đồng ý là: “Giá mà ai đó sẽ trả” (What someone will pay).
Giá của CLB là giá mà người mua muốn trả, bởi ngoài bất động sản, không thể định giá đội bóng ấy vì giá trị thương hiệu hay đội hình, thứ rất khó định giá và liên tục biến đổi. Thị trường mua bán CLB giống với một thị trường tác phẩm nghệ thuật. Nếu người mua thích, một bức ảnh phong cảnh tối giản của Andreas Gursky cũng có thể bán được 4,3 triệu USD và trở thành tấm ảnh đắt nhất thế giới. Còn ngược lại, một bức ảnh chụp chiến sự ở Iraq, đánh đổi bằng máu và sự liều mạng, cũng chỉ có thể tải lên mạng và bán với giá vài chục cent một lần tải xuống.
Chuyện ấy là những gì xảy ra ở mùa giải 2006/07, khi các nhà đầu tư đổ xô vào Premiership, khi tiền BQTH của giải đấu này phá kỷ lục thế giới. Đó là khi Keith Harris, chủ tịch ngân hàng Seymour Pierce, người đạo diễn các vụ mua bán Chelsea, Villa và West Ham, lý giải mọi thứ rất đơn giản: “Vì thế giới bây giờ có quá nhiều người giàu nhanh”. Còn bây giờ, là năm 2011.
2. Năm 2011, kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn gượng dậy sau cuộc đại khủng hoảng. Và năm 2011, bỗng nhiên tầm vóc của Premiership ở đẳng cấp châu lục bỗng nhiên lung lay lạ thường. Có đến 3 đội bóng Anh đứng trước nguy cơ bị loại ngay từ vòng bảng Champions League trước loạt đấu cuối.
Suốt 5 mùa giải qua, chỉ có một CLB Anh bị loại từ vòng bảng Champions League (Liverpool ở mùa giải 2009/10). Chuyện cả 4 đại diện của Premiership góp mặt tại vòng knock-out gần như đã trở thành thực tế hiển nhiên. Đó là còn chưa kể tới 6/7 trận chung kết gần đây, người Anh đều góp mặt.
Có lý do để tin rằng cái giá mà “ai đó sẽ trả” khác so với năm 2006. Tháng 2/2012 sẽ là lúc mà BQTH của Premiership giai đoạn 2013-2016 bắt đầu được đem bán đấu giá. Một vụ đấu giá không nhiều hứa hẹn, trong bối cảnh kinh tế này, với phong độ này, kết quả này.
Và ai cũng biết rằng chỉ tiền BQTH không thôi thì không đủ để phục vụ cho đời sống vương giả của Premiership. Thành công tuyệt đối của họ cả thập kỷ qua được duy trì bằng tiền của các ông chủ và tiền đi vay.
So với cách đây nửa thập kỷ, nhiều tỷ phú đã “nghèo” đi (so với chính họ trước kia). Tất nhiên, ngay cả các ngân hàng châu Âu và Mỹ giờ cũng nghèo nốt.
3. Đây là giai đoạn mà giá của Premiership sẽ được quyết định bởi những người mua. Các nhà đầu tư, chủ nợ và các hãng truyền hình sẽ cân nhắc về việc có nên tiếp tục đổ tiền vào giải đấu này hay không.
Việc tháng 2/2012, còn bao nhiêu CLB Premiership trụ lại được ở Champions League, sẽ cho họ những gợi ý nhất định về giá của giải đấu danh giá nhất châu ÂU. Loạt đấu này là một bài kiểm tra quan trọng.
Và cũng có thể là việc không vượt qua bài kiểm tra ấy, 2 hay 3 đội bóng Premiership bị loại, sẽ cho họ cơ hội xem lại cái gọi là “nền bóng đá” vốn từ lâu mất nền tảng. Chưa biết cái nào may mắn hơn.
Bởi vì chính việc cái “giá ai đó trả” luôn quá cao, đã khiến Premiership trở thành một con nghiện của đồng tiền.
Bongdaplus.vn