
Ngoài hiện tượng APOEL Nicosia đã giành vé, thì những “kẻ nổi loạn” có thể nối tiếp đội bóng Cyprus là Trabzonspor (đứng thứ 2 bảng B), Olympiakos (thứ 3 bảng F, kém Marseille 1 điểm) và Zenit (thứ 2 bảng G) cùng Basel (xếp thứ 3 bảng C, kém M.U 1 điểm).
Sẽ rất dễ đưa ra tuyên ngôn Champions League giờ dành cho cả “giới nhà nghèo”. Nhưng thực chất, những đội bóng kể trên không nghèo. So với những đại diện từ 4 nền bóng đá hàng đầu châu Âu, họ chỉ không thể so sánh về tên tuổi, chứ tiềm lực thì không kém nhiều. APOEL Nicosia, dù đến từ nền bóng đá nhược tiểu là Cyprus, cũng được đỡ đầu bởi đại gia, và trong đội hình của họ phần lớn là những tên tuổi đến từ Brazil, chỉ có 3 cầu thủ bản địa. Zenit đã nổi tiếng từ lâu là một “tay chơi” của bóng đá châu Âu với những cầu thủ đắt tiền. Trabzonspor đến từ nền bóng đá mới nổi Thổ Nhĩ Kỳ, cũng sẵn sàng chi 21 triệu euro để mua cầu thủ ngay sau khi có quyết định của UEFA cho phép họ dự Champions League. Con số này gấp đôi mức bội chi của Marseille trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm nay. Phải nhắc lại một chi tiết, rằng với lượng CĐV khổng lồ và nền kinh tế đang lên, thị trường Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho các CLB một tiềm lực rất lớn: cách đây vài năm, theo giá trị trên thị trường cổ phiếu, chính Fenerbahce mới là đội bóng đắt giá nhất hành tinh, chứ không phải Real Madrid hay Man United.
Vấn đề này đã được Sir Alex Ferguson nhắc đến trong ngày hôm qua, như một lời cảnh báo với các nền bóng đá lớn ở châu Âu. “Một lượng tiền rất lớn đã được đổ vào các CLB ở Đông Âu, và hiện đang có rất nhiều đội bóng mạnh lên bất thường. APOEL Nicosia cũng được đỡ đầu bởi một người giàu có. Chúng ta không được phép coi thường vòng bảng nữa”.
Bóng đá châu Âu đang trở nên “phẳng” hơn với sự trỗi dậy của nhiều nền kinh tế mới. Các tỷ phú bản địa sẵn sàng bơm tiền vào CLB quê hương, dù nó ở một đẳng cấp thấp, thay vì đầu tư sang những sân chơi hào nhoáng hơn như Premiership hay La Liga. Một ví dụ điển hình là Anzhi, đội bóng đã khiến thế giới kinh ngạc khi mua Samuel Eto’o với giá 30 triệu euro trong mùa Hè năm nay. Dù có “hộ khẩu” ở Dagestan, đội bóng này lại đóng quân ở Moscow cách đó hàng nghìn cây số, với điều kiện vật chất tiện nghi tối tân, và chỉ bay về sân nhà mỗi khi có trận đấu. Cộng vào đó, những mầm mống khủng hoảng của các nền bóng đá lớn đang bắt đầu phát tác.
Khó có thể nói rằng Champions League một ngày nào đó sẽ dành cho những người nghèo. Chỉ có thể nói rằng nó dành cho những kẻ biết tận dụng thời cơ.
Bongdaplus.vn