
Đây có thể được xem là một sự can thiệp của chính quyền vào nội bộ của LĐBĐ, điều mà theo quan điểm của FIFA, không được phép xảy ra. Rất nhiều nền bóng đá đã từng nhận án phạt cấm thi đấu quốc tế của FIFA vì chính phủ có can thiệp vào liên đoàn. Nhưng dường như để tránh làm rối tình hình tại Ai Cập và ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền bóng đá nước này, FIFA đã từ chối bình luận về quyết định của thủ tướng Kamal el-Ganzouri.
Giám đốc cảnh sát thành phố Port Said, nơi xảy ra thảm họa trên, cũng đã từ chức trước áp lực của những đoàn biểu tình đang tập trung quanh trụ sở cảnh sát. Theo nhiều lời cáo buộc, cảnh sát có mặt tại hiện trường đã không hề thực hiện nhiệm vụ và để cuộc bạo loạn diễn ra tự do. Ngoài ra, Chủ tịch CLB Al Marsy, đội chủ nhà của trận đấu, cũng đã từ chức. HLV của Al Ahly, Manuel Jose đã rời Ai Cập quay trở về quê nhà Bồ Đào Nha để cân nhắc tương lai. “Tôi bị đấm đá khắp nơi. Trong phòng thay đồ, tôi nhìn CĐV nhà chết ngay trước mặt mà không thể làm gì” – ông không giấu nổi sự đau buồn – “Tôi sẽ phải nghĩ khác về cuộc đời mình kể từ bây giờ. Mặc dù tất cả mọi người ở đó đều yêu quý tôi, nhưng những trải nghiệm này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi”.
Những giả thiết về nguyên nhân của cuộc bạo loạn vẫn đang liên tục xuất hiện, hầu như nghiêng theo hướng nó đã được lên kế hoạch từ trước. Walter Gagg, một chuyên gia giám định sân đấu của FIFA, người đã đến kiểm tra sân bóng này trước thềm CAN 2006 và VCK U20 thế giới 2009, khẳng định rằng sân bóng không có vấn đề gì về an toàn, và các nhà chức trách “không thể tránh được sự cố” nếu đây là cuộc bạo loạn có tổ chức.
Bongdaplus.vn