1. Người Hà Lan làm say đắm những tín đồ túc cầu giáo bằng lối chơi tổng lực quyến rũ và đẹp mắt. ĐT Italia từng lên đỉnh thế giới với kiểu phòng ngự trứ danh Catenaccio. Brazil, Argentina cũng từng bá chủ hành tinh bằng những “vũ điệu” Tango và Samba đầy ngẫu hứng, nhưng cũng rất khoa học… Còn bây giờ, cả thế giới đang bị mê hoặc bởi lối chơi của người Tây Ban Nha, của Barcelona, cái mà người ta gọi là tiqui-taca.
Dễ nhận thấy, tất cả sản phẩm (chiến thuật) nói trên, dù có thay đổi, biến hóa thế nào thì thể lực vẫn là vấn đề tiên quyết. Với BĐVN, từ lâu người ta đã nói đến câu chuyện thể lực. Thế nhưng, chỉ vài mùa gần đây, dường như tư duy của các HLV (đặc biệt là các nhà cầm quân trẻ) mới có những đổi thay rõ rệt. Tức là, trong giáo án chuẩn bị, vấn đề kỹ chiến thuật không còn nằm ở trang đầu, thay vào đó là một chương khác có tên: “Rèn thể lực”.
2. Đến bây giờ chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra rằng, những cầu thủ tập luyện ở trên núi hay dưới biển khỏe hơn ở đồng bằng. Chỉ biết rằng đến hẹn, các đội bóng Việt Nam lại đưa quân lên núi, xuống biển nhằm… luyện công.
Minh chứng? Biển Mũi Né (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang) đã là điểm đến ưa thích của B.BD mấy năm qua. N.SG lại xuôi ra Vũng Tàu, rồi ngược lên Lâm Đồng. HAGL thì xuôi xuống biển Mỹ Khê (Đà Nẵng). V.HP lại ngược lên Tam Đảo… Ngay cả U23 VN chuẩn bị cho SEA Games 26, hay ĐTVN chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2008, đều chọn TT Hàm Rồng (Gia Lai) làm nơi đóng quân.
Đương nhiên, đặc sản rừng, hải sản, hay việc tung tăng trên cát trắng biển xanh… không thể giúp “công lực” của các cầu thủ tăng lên. Quan trọng nhất vẫn là phương pháp huấn luyện của HLV. Đặc biệt là tinh thần tự giác luyện tập của các cầu thủ.
3. Nói đến đây lại nhớ đến HAGL tại giải Vietbank Cup 2011. Các cầu thủ cứ than vãn về “Mr Choi” (HLV Choi Yum-kyum). Họ không bằng lòng với phong cách tập thể lực sáng, chiều, tối của vị HLV này.
Nói đến thể lực, lại nhớ đã vài mùa rồi HAGL phải gồng mình trụ hạng, chẳng phải chuyên môn quá kém, mà các HLV kêu trời vì thể lực các cầu thủ quá tồi. Nghịch lý ở chỗ, Hàm Rồng được xem TT huấn luyện số một Việt Nam. Điều kiện khí hậu, trang thiết bị tập luyện, chế độ dinh dưỡng, di chuyển… cũng được xếp vào tốp đầu của V.League. Ấy vậy mà thành tích lại tỷ lệ nghịch với mức độ đầu tư.
Có thể, HLV Choi Yum-kyum đã nhận thấy điểm yếu này. Và ngay lập tức trang đầu trong giáo án của vị HLV người Hàn Quốc đổi sang món “thể lực” thay vì kỹ chiến thuật. Có thể vì thế các cầu thủ đã bị “sốc”. Thứ nhất, vì lâu rồi họ không phải tập nặng. Và thứ hai, cơ địa chưa bắt kịp với cường độ tập luyện đã đề ra.
Phương pháp của HLV Choi có đạt hiệu quả hay không, thời gian sẽ trả lời. Nhưng như đã nói, như ông Choi, các HLV của Việt Nam cũng đang có cùng một tư duy. Tức là sẵn sàng gạt bỏ một cầu thủ chơi kỹ thuật để chọn một người chịu chạy, chịu cày…
V.League là một cuộc đua đường trường, nơi dù có chơi chiến thuật gì đi nữa cũng phải chuẩn bị một nền thể lực sung mãn. Thế nên, ngoài sự hợp tác thôi chưa đủ, các cầu thủ cần phải thay đổi tư duy, cần sự tự giác, thay vì đêm đêm các HLV phải gõ cửa từng phòng để điểm danh.
Bongdaplus.vn