
Đó là tâm sự của ông Trần Duy Ly, tân Trưởng BTC giải V.League sau khi được HĐQT VPF đề cử. Từng đảm nhiệm cương vị Trưởng BTC giải 8 năm trước đây, lại đã ở tuổi ngoại lục tuần nên sự trở lại của ông Ly là một bất ngờ lớn đối với dư luận. Nhân dịp này, phóng viên báo Bóng đá đã có cuộc trao đổi với ông Trần Duy Ly.
PV: Cảm xúc của ông lúc này thế nào?
Ông Trần Duy Ly: Tôi rất cảm động! Thực lòng là như vậy. Tôi vui vì nhận được sự tín nhiệm của các cổ đông tại đại hội của VPF. Dù đã rời nhiệm sở một thời gian, nhưng tôi vẫn theo sát các sự kiện của bóng đá nước nhà. Nay trở lại với cương vị của một Trưởng BTC giải, tôi hứa sẽ tìm hiểu sâu hơn về bóng đá nước nhà và đặc biệt là công tác tổ chức giải để theo kịp vòng quay chung. Tuy nhiên, để đáp ứng được sự kỳ vọng của NHM, tôi mong nhận được sự ủng hộ của các đồng nghiệp, của HĐQT, ban điều hành và đặc biệt là những người làm bóng đá Việt Nam.
Thưa ông, thực sự dư luận đã rất ngạc nhiên khi ông được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng BTC giải. Vậy lý do nào khiến ông “tái xuất” với bóng đá Việt Nam?
- Trong bóng đá, công tác tổ chức thi đấu là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Cùng với đào tạo, ĐTQG, tiếp thị tài trợ, công tác tổ chức giải là một trong bốn đỉnh của một tứ giác bóng đá. Thời gian qua, dư luận đã nói rất nhiều về các giải đấu của chúng ta. Để sân chơi quốc nội đáp ứng được nguyện vọng của NHM, trở thành động lực cho sự phát triển của nền bóng đá là trách nhiệm của mọi người. Dù đã nghỉ hưu nhưng tôi nghĩ rằng mình vẫn đủ sức để làm một điều gì đó cho bóng đá Việt Nam. Tôi vẫn còn nguyên một bầu nhiệt huyết muốn được cống hiến và tự tin rằng mình vẫn còn đủ khả năng để làm những việc có ích.
Nhưng ông có nghĩ rằng, làm Trưởng BTC giải trong bối cảnh mới rất khác so với cách đây 8 năm, thời ông vẫn còn làm Phó chủ tịch thường trực LĐBĐVN?
- Nhiều người cho rằng, làm quan chức mà điều hành giải thì mọi cái sẽ thuận hơn. Nhưng tôi lại nghĩ, khi sang cơ chế mới, Trưởng BTC giải thực chất là người làm thuê cho công ty VPF sẽ có những cái khó, nhưng cũng có nhiều điểm thuận lợi hơn so với trước đây. Đơn cử chuyện trọng tài, khởi nguồn của không ít bức xúc trong nền bóng đá cũng như dư luận nước nhà. Tôi thấy rằng, BTC giải sắp tới sẽ có những thuận lợi liên quan đến công tác trọng tài. Sự thay đổi về chế độ đãi ngộ với trọng tài là điều đáng mừng và nó có thể mang đến những hiệu ứng tích cực. Các giám sát, trọng tài đã có thể sống tốt nhờ nghề của mình. Bên cạnh đó, tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố chuyên môn của lực lượng cầm còi. Rõ ràng, lúc này chúng ta đã có được một đội ngũ trọng tài có chất lượng, được đào tạo, tập huấn thường xuyên nên đủ sức để đảm đương nhiệm vụ.
Tôi cũng thấy cách điều hành trọng tài cũng có nhiều tiến bộ hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, sự điều hành của các bộ phận chuyên môn ở BTC giải và công tác tiếp thị tài trợ cũng có những thay đổi mạnh mẽ, tích cực so với cách đây vài năm. Tất nhiên, điều kiện tốt, đầu tư nhiều thì đòi hỏi của các đội bóng và xã hội sẽ lớn hơn. Thế nên, BTC giải, lực lượng trọng tài phải xác định được trách nhiệm của mình với sân chơi và sự phát triển của nền bóng đá, bởi nếu không, dù là ai thì cũng bị loại khỏi vòng quay chung.
Khi còn đương nhiệm, ông được đánh giá cao bởi sự khẳng khái, không ngại va chạm và luôn thể hiện được bản lĩnh của mình. Ông đã từng trừ điểm một đội bóng bóng rất mạnh là Thể Công năm 2003 vì nghi ngờ tiêu cực. Vậy, môt điều khiến dư luận quan tâm là ông có dám xử lý đội bóng của các thành viên HĐQT nếu có những sai phạm xảy ra trong thời gian tới?
- Bây giờ, BTC giải đã có nhiều thay đổi và phân cấp rõ ràng. Ban Kỷ luật sẽ là nơi giải quyết những rắc rối nảy sinh trong quá trình diễn ra giải. Tất nhiên, chức năng và quan điểm của BTC giải là vô cùng quan trọng trong mọi tình huống xử lý. Nhưng, dù có thế nào thì tôi luôn tâm niệm rằng, chống tiêu cực và minh bạch hóa nền bóng đá là yêu cầu sống còn. Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, VPF, BTC giải, Ban Kỷ luật sẽ nghiên cứu để có được một cơ chế hành động nhằm đảm bảo rằng, bóng đá Việt Nam sẽ không sống chung với tiêu cực. Tôi tin rằng, đó không chỉ là mong muốn của cá nhân tôi, mà còn là của các ông bầu và toàn xã hội. Chỉ có xây dựng được một nền bóng đá sạch thì những gì chúng ta làm hôm nay mới thật sự có ý nghĩa.
- Xin cảm ơn ông!
Bạn có biết?
Tổ chức, cá nhân không được phép sở hữu nhiều CLB bóng đá tham gia cùng một giải đấu. Tổ chức, cá nhân không được làm ảnh hưởng đến sự quản lý, điều hành, hoặc thành tích thể thao của nhiều CLB bóng đá tham gia trong cùng một giải đấu. Không được có bất cứ thành viên nào trong gia đình cá nhân đó như: vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh chị em ruột là thành viên, cổ đông, đối tác thương mại, nhà tài trợ hoặc cố vấn của CLB khác.
NHỮNG NÉT MỚI CỦA MÙA GIẢI 2012
Tăng trẻ, giảm ngoại
Để các cầu thủ nội thường xuyên được thiđấu, góp phần nâng cao chất lượng ĐTQG, ĐT U23, Quy chế bóng đá chuyênnghiệp sẽ có những điều chỉnh. Theo đó, kể từ mùa giải 2013, các độibóng chỉ được đăng ký 3 cầu thủ ngoại. Giải hạng Nhất sẽ không có cầuthủ ngoại. Bên cạnh đó, kể từ mùa giải 2013, trong danh sách đăng ký,các CLB V.League và hạng Nhất phải có tối thiểu 3 cầu thủ từ 16 đến 21tuổi.
Phải có hệ thống đào tạo trẻ
Các CLB phải cótrung tâm đào tạo trẻ hoặc học viện bóng đá bao gồm các tuyến từ U11 đếnU21. CLB phải có các đội U15, U17, U19, U21 tham gia các giải trẻ quốcgia ở cùng độ tuổi. Đối với CLB ở V.League, từ mùa giải 2013 phải có ¾đội trẻ tham dự giải (nếu không đủ số lượng đội trẻ sẽ phải nộp phạt 200triệu đồng/đội). Từ mùa giải 2015 bắt buộc các CLB phải có đủ 4 độituyển trẻ tham dự giải. Đối với các CLB hạng Nhất, từ mùa giải 2012 phảicó 2/4 đội trẻ tham dự giải (nếu không đủ số đội sẽ bị phạt 100 triệuđồng/đội. Kể từ mùa giải 2016, các CLB hạng Nhất phải có đủ 4 đội trẻtham gia hệ thống giải trẻ quốc gia.
Theo Quy chế BĐCN
VPF muốn xem lại hợp đồng với AVG
Như đã biết, hợp đồng bán bản quyền truyền hình V.League, Cúp QG và hạng Nhất QG đã được VFF bán cho AVG với thời hạn 20 năm, kể từ mùa giải 2011. Sau khi VPF được thành lập, bản quyền truyền hình các giải đấu sẽ được chuyển giao cho công ty này. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, tân Phó chủ tịch HĐQT công ty VPF, thì nhiều khả năng sẽ có những điều chỉnh liên quan đến hợp đồng bản quyền truyền hình các giải đấu. VPF sẽ làm việc với AVG để có được đột phá về giá trị hợp đồng thương quyền. Ông Kiên khẳng định rằng, VPF sẽ chỉ ký hợp đồng với thời hạn ngắn, tối đa là 3 năm. Nếu không thống nhất được với AVG, VPF sẽ mời VTV và VTC vào cuộc. Tuy nhiên, ông Kiên không cho biết, nếu AVG không chấp thuận đề nghị thay đổi các điều khoản đã ký thì VPF sẽ làm thế nào để thanh lý một bản hợp đồng vẫn còn hiệu lực?
Bongdaplus.vn